Về sau, cụ Xkhua-đốp-xki nhận xét mối tình đầu của con gái tuy có gắn
bó nhưng không thắm thiết lắm và Ma-ri-a đã biết “tự hào và kiêu hãnh”. Cô
nhìn lại quãng đời phải sống kiên nhẫn. Tám năm xa rời trường trung học,
sáu năm làm cô giáo. Giờ đây, Ma-ri-a không còn là một thiếu nữ đang đứng
trước cuộc đời. Chỉ thiếu vài tuần, cô đã tròn hai mươi bốn tuổi.
Rồi bỗng nhiên, ngày 23 tháng 9 năm 1891, một lá thư kêu gọi Brô-ni-a,
cầu cứu:
“Chị Brô-ni-a ơi! Chị trả lời em dứt khoát nhé! Liệu em có thể đến ở với
anh chị không? Hiện nay em thấy đã đến lúc đi Pa-ri được rồi. Em có đủ
tiền tiêu pha. Nếu chị xem đảm bảo được cho em hai bữa ăn mà không thiếu
thốn lắm thì biên thơ ngay cho em biết. Đối với em đó là một hạnh phúc lớn.
Nó sẽ vực em dậy sau thử thách đau khổ đã đến với em trong hè vừa qua, nó
còn ảnh hưởng suốt đời em. Nhưng em chẳng dám ép đâu.
Chị đang có mang, có thể em sẽ giúp ích được chút nào chăng? Nếu chị
không thấy gì bất tiện thì cho em biết. Nhân thể, chị nói rõ thi vào trường
phải thi những môn gì và hạn cuối cùng ghi tên là ngày nào.
Em nóng lòng nghĩ tới ngày đi, nên không thiết bàn việc gì khác với chị
cho đến khi chị trả lời. Chị biên thư ngay nhé. Em gửi đến anh chị những lời
thân mến.
Thu xếp cho em ở đâu cũng được. Em sẽ không làm bận chị đâu. Em hứa
sẽ không làm phiền, làm mất trật tự. Mong chị trả lời ngay, có gì cứ nói thật
cho em nhé!”
*
* *
Brô-ni-a không đánh điện trả lời để đỡ tốn tiền, còn Ma-ni-a thì chưa đi
ngay được vì phải tính toán chi ly về chuyến đi to lớn này. Đặt tất cả vốn
liếng lên bàn, kể cả số tiền cha cho thêm, tuy ít nhưng đối với ông giáo cũng
rất quan trọng, Ma-ri-a bắt đầu tính.
Tiền lấy giấy thông hành này, tiền vé tàu từ Vác-xô-vi đến Pa-ri này. Chả
dại mà đi suốt hạng ba – ở Nga và ở Pháp đó là hạng thấp nhất – nhưng