Đó là ở căn nhà số 66, đại lộ Kra-kop, cuối một cái sân trồng tử đinh
hương, một tầng gác có cửa sổ bé tí. Ở đây, một anh họ đàng mẹ là Dô-dếp
Bô-gu-xki mở một phòng làm việc mang cái tên hoa mỹ: “Bảo tàng kỹ nghệ
và Nông lâm”. Tên gọi cố ý huênh hoang, mập mờ chỉ cốt che mắt các nhà
chức trách Nga. Một bảo tàng không làm họ nghi ngờ gì. Và sau cửa kính
của một bảo tàng, vẫn có thể giảng dạy khoa học cho những người Ba Lan
trẻ.
Sau này, Ma-ri Qui-ri viết:
“Tôi được rất ít thì giờ làm việc trong phòng thí nghiệm ấy, thường chỉ
có thể tới đây vào buổi chiều, sau bữa ăn hoặc Chủ nhật. Một mình ở đó, tôi
thử làm lại các thí nghiệm tả trong các sách vật lý và hóa học. Kết quả nhiều
khi bất ngờ. Họa hoằn mới được một thành công nhỏ khuyến khích. Nhưng
bao phen thất vọng do đổ vỡ, hư hỏng vì thiếu kinh nghiệm. Tôi thấy rằng
mỗi bước tiến trong lĩnh vực này không nhanh và cũng chẳng dễ đâu. Những
cuộc thử thách đầu tiên ấy làm nở trong tôi cái ý thích tìm tòi thực nghiệm”.
Tới khuya trở về nhà, Ma-ni-a vẫn còn gửi tâm trí bên những điện
nghiệm kế, ống nghiệm cùng những chiếc cân chính xác. Cô bỏ áo ngoài,
ngả lưng trên chiếc ghế đệm dài hẹp. Nhưng trằn trọc không sao ngủ được.
Cái chí hướng bấy lâu còn lờ mờ, nay bừng sáng, thúc giục như một mệnh
lệnh. Và mỗi lần nâng ống nghiệm với bàn tay khéo léo tại Bảo tàng kỹ nghệ
Nông lâm này, Ma-ni-a lại liên tưởng đến những kỷ niệm xa xăm thời thơ
ấu, những vật dụng vật lý nằm im lìm trong tủ kính của ông giáo, những thứ
mà ngày xưa, cô hằng khao khát muốn chơi. Giờ đây, Ma-ni-a đang nối lại
sợi chỉ của cuộc đời mình.
Ban đêm sống sôi nổi như vậy, nhưng ban ngày, vẫn tỏ ra bình thản. Cô
không muốn những người xung quanh biết sự sốt ruột nóng lòng đang như
thúc sau lưng mình. Những ngày tháng cuối cùng sống bên cha, cô muốn cha
hoàn toàn sung sướng. Anh Dô-dếp cưới vợ, rồi chị Hê-la có việc làm, đều
được cô góp sức tận tình. Còn một mối tình cảm nữa cứ làm cho Ma-ni-a trù
trừ chưa quyết định được ngày đi. Cô còn nhớ Ca-di-mia. Tuy bị một sức
mạnh thần kỳ lôi cuốn đến Pa-ri, chẳng phải là không day dứt mà Ma-ri-a
nghĩ đến mấy năm xa nhà.
Tháng chín 1891, Ma-ni-a đi nghỉ hè ở Da-cô-pan vùng núi Các-pát, và
hẹn gặp Ca-di-mia Z. Ông giáo viết cho Brô-ni-a: