chắc chắn, chớ cho vay. Có lẽ nên đổi ngay ra Phơ-răng, đổi bây giờ có lợi,
ít nữa tiền sẽ bị hạ”.
Dễ chừng ai đó hồ hởi nhận lời đi Pa-ri ngay chắc? Đâu có vậy! Những
năm tù túng đày ải vừa qua không làm cô gái khác thường này chua xót, mà
chỉ luyện cho cô tính thận trọng. Hơn thế, vẫn lòng hy sinh cao cả vốn có, lại
một lần nữa làm cho Ma-ni-a bỏ lỡ dịp tốt. Cô không muốn đi, vì đã hứa là
sẽ về ở với cha, giúp chị Hê-la, giúp anh Dô-dếp.
Ngày 12 tháng 3 năm 1890, Ma-ni-a biên thơ trả lời chị Brô-ni-a:
“Em của chị đã ngu, vẫn ngu, và sẽ suốt đời ngu: nói cách khác, em
không có và sẽ chẳng bao giờ gặp may cả. Em đã từng mơ ước đến Pa-ri
như mong đợi Chúa cứu thế, nhưng hy vọng ấy đã từ bỏ em lâu rồi. Giờ đây,
nó lại hiện ra trước mắt, em bâng khuâng không biết làm thế nào. Em không
dám nói với cha. Cha đang vui với ý nghĩ rằng, năm tới, em sẽ về cùng sống.
Em cũng muốn tuổi già của cha được sung sướng đôi chút, nhưng tim em
như muốn vỡ ra khi nghĩ mình có khả năng mà chưa sử dụng được. Em lại
đã hứa cố hết sức làm sao, năm tới, tìm được việc cho chị Hê-la ở tại Vác-
xô-vi. Chị ấy vẫn như “em bé” trong nhà, em cảm thấy có nhiệm vụ lo thêm
cho chị ấy! ”
Brô-ni-a cứ khẩn khoản, bàn tới. Nhưng nói gì thì nói, còn thiếu cái yếu
tố quyết định: chị còn nghèo, chưa mua được cho Ma-ni-a một cái vé tàu hỏa
để buộc cô phải lên tàu. Cuối cùng, hai chị em thỏa thuận khi nào hết hợp
đồng với ông bà F. cô sẽ về ở Vác-xô-vi một năm, sống gần ông giáo lúc này
đã thôi việc ở trại thiếu niên. Cô sẽ dạy học kiếm thêm tiền. Đến lúc đó, cô
sẽ đi Pa-ri.
*
* *
Lại một giấc mơ trôi qua suốt thời gian ở tỉnh với những khách khứa rộn
ràng huyên náo ở nhà ông bà F., Ma-ni-a trở về với bầu không khí lòng hằng
ưa thích, sống bên cha già trong một căn nhà riêng và hàng ngày lại được
nghe những câu chuyện thú vị, bổ ích. Trường “Đại học di động” lại mở của
rộng đón cô. Mà một sự kiện quan trọng, một niềm vui không gì sánh tày,
lần đầu tiên trong đời Ma-ri-a bước vào một phòng thí nghiệm.