12
Những kẻ "gièm pha"
"Chúng tôi muốn sống cuộc sống của mình"
Báo chí xoi mói, truyền thông rình rập đến ngột ngạt. Hệt như những
con chim bất hạnh, các nhà báo tới tấp bủa vây lấy gia đình mình sau cái
chết của con. Chính bởi đọc tờ Le Parisien mà bố mẹ phát hiện ra con đã bị
quấy rối và để lại một lá thư. Cũng vì xem kênh truyền hình France 3 nên
bố mẹ mới nhìn thấy bà trùm của Sở Giáo dục huênh hoang bình phẩm về sự
tuyệt vọng của con lẫn của bố mẹ mà không thèm cất công thông báo gì cho
bố mẹ biết, cũng chả thèm gửi lời chia buồn gì đến gia đình mình. Bố mẹ đã
cảm nhận được một sự ác tâm ngầm từ giới báo chí. Họ đã thông báo tới dân
chúng mà không gọi cho chúng ta trước, trong khi chúng ta chả biết gì. Đó
là nữ nhà báo, người đã viết bài về cái chết của con mà sau đó bố mẹ đã cố
gắng liên hệ trong vô vọng, đó là đài truyền hình, những kẻ đã để cho nhà
chức trách học đường phát biểu mà không hể lo lắng chú tâm để biết những
gì chúng ta nghĩ.
Thế rồi giới truyền thông đã rình rập, truy đuổi, quấy rối chúng ta bằng
những đòi hỏi coi mình là nhất của họ. Bây giờ thì mẹ hiểu rõ hơn những
phàn nàn của đám người nổi tiếng. Mẹ hình dung những gì mà những người
này phải trải qua trong sự truy đuổi thường nhật của đám nhà báo, cảm giác
bị xúc phạm, bị xâm lấn. Dẫu con đã chọn một nghề luôn phải chường mặt
ra trước công chúng thì con cũng có quyền được ăn một cây kem hoặc được
khóc trong cái xó nhỏ của mình chứ, đúng không? Đương nhiên cũng có một
số người tìm kiếm ống kính máy quay, nhưng chúng ta thì không.
Bốn tháng sau khi con chết, bố mẹ đã đồng ý một cuộc trò chuyện với
tờ Le Figaro, bài đăng ngày 28 tháng Sáu năm 2013. Hình như chẳng có gì
tiến triển về mặt pháp lý cả. Bởi vì chẳng có gì xảy ra, bố mẹ không có lý do
gì để im lặng nữa. Lần này, bố mẹ không phải chịu sự rượt đuổi của các nhà