Sau cái chết của con, mẹ đã xem lại những đoạn video ấy. Trước tiên
mẹ thấy chúng rất có tính kỳ thị. Các nạn nhân là những “thằng mập” hoặc
“con phò”, ít ra thì cũng là những học trò mà đám khác coi chúng như thế.
Nhưng vấn đề không phải là cậu bé kia mập hay cô bé kia sexy. Ta không
nên chửi rủa thóa mạ người khác, chấm hết, thế thôi.
Tóm lại, chẳng hạn như trong đoạn video về cô học trò bị gọi là “con
phò” kia - có thể nói là câu chuyện của con vậy - có những học sinh nam
trong sân trường nhưng ta không nhìn thấy một người lớn nào, không có một
giám sinh nào. Trong lớp học, ta không nhìn thấy giáo viên. Rõ ràng, nó mô
tả cho chúng ta một thế giới mà trong đó người lớn không tồn tại, không bảo
vệ. Giống như ta đang ở giữa đường giữa phố hay trong tiền sảnh một khu
chung cư. Điều đó như muốn nói rằng: “Hãy tự mà xoay xở với nhau đi!”
Và bây giờ, họ nhắc lại với chúng ta: “Hãy phá vỡ luật im lặng đi!”
Đấy chính là lời tuyên truyền của các chiến dịch này. Nhưng hỡi các ông bà
giáo viên, các ông bà chức trách, các ông bà hãy phá vỡ nó trước đi! Hãy
sắp xếp lại trong cơ quan các ông bà trước, đừng gập mình lại trong chủ
nghĩa nghiệp đoàn, khi mà một số người trong các ông bà đã không thèm
nhúc nhích cả ngón tay út trước thảm kịch một đứa trẻ bị quấy rối. Hãy đòi
hỏi người ta ủng hộ các ông bà trước hiện tượng quá nguy hiểm này: hãy đề
nghị một đường dây nóng cho việc này, một phòng để tranh luận, quyền
được hộ tống một học sinh đến sở hiến binh. Chẳng có gì được dự kiến cả.
Học sinh không thể tự mình phá vỡ luật im lặng được, con biết rồi chứ,
hả Marion. Chính người lớn phải can thiệp và kêu lên: “Chuyện đó bị cấm
đấy! Không thể bao dung được!”
Thói đạo đức giả làm xói mòn những lời mời chào vụng về có ý thức
tập thể. Bố con và mẹ, bố mẹ đã phá vỡ luật im lặng. Hệ thống học đường đã
đáp trả lại bố mẹ: “Biến đi, hãy để chúng tôi làm việc, hãy để cho chúng tôi
yên.” Bố mẹ đã phá vỡ luật im lặng khi đề nghị chuyển lớp học cho con. Họ
đã trả lời bố mẹ, về bản chất là: “Chúng tôi biết quản lý, chớ phải lo lắng