Ở trường Tiểu học, ta có thể thực hiện sự phòng ngừa và kèm cặp.
Nhưng làm sao có thể để mắt đến những học trò ở trường Trung học cơ sở
chứ? Có thể có một phương thuốc để chữa trị cho mối nguy này, sẽ cho phép
thuyên giảm những nguy cơ: tổ chức những tiết học thế nào để cho học trò
không phải đổi phòng học và học cả ngày trong cùng một phòng. Chính các
thầy giáo mới phải đi từ lớp này sang lớp khác. Điều đó hẳn sẽ tránh được
những cuộc truy đuổi trong hành lang, và giảm thiểu vụ một học trò bị một
nhóm cô lập. Điều đó buộc lũ trẻ phải chú ý thái độ bởi ngay khi một giờ
học kết thúc, môn tiếp theo sẽ bắt đầu. Ngoài ra, chúng chắc sẽ chấm dứt
cảnh đến muộn giờ, chen nhau trong cầu thang và những cuộc ẩu đả tập thể
trong các hành lang.
Ở một số trường tư, thời gian biểu của các học sinh được lập phù hợp
với những gì diễn ra ở trường Tiểu học. Tóm lại, học sinh có giờ học từ 9
giờ đến 16 giờ. Ở điểm này nữa, ta có thể giảm thiểu được nguy cơ cho các
học sinh phải rời trường một mình từ lúc 15 giờ và sẽ bị lũ quấy rối chặn lại
trong một góc phố nào đó.
Mẹ thấy các giáo viên cũng nên gặp mặt hai tuần một lần để tổng kết
các mặt của từng lớp. Khi nghe những lời nhận xét của nhau, khi trao đổi
cho nhau những cảm giác mà mỗi người cảm nhận được, họ hẳn có cơ may
nhận ra một học sinh nào đó đang bị trầm uất, và hẳn có thể bảo vệ trò đó
được tốt hơn hoặc trợ giúp nó bằng cách trừng phạt những đứa đã hành hạ
nó.
Bởi vì rốt cuộc, mẹ không hiểu tại sao người ta lại không áp đặt một
chế độ “không khoan nhượng” trước những thái độ không thích đáng và
những vi phạm kỷ luật điển hình chứ. Có những quy định cần tuân theo và
những người giám sát, để mọi người có thể vui sống hòa hợp với nhau hơn.
Trong trường hợp này, khi nới lỏng kỉ cương, ta vô hình trung trao những
đứa trẻ yếu đuối cho luật rừng. Những kẻ mạnh hơn, những kẻ đần độn hơn,
những kẻ lười học hơn sẽ chiến thắng, thật đáng tiếc!