được trong thời điểm đó, sáu ngày sau khi con qua đời. Bố mẹ cũng nêu em
gái và em trai của con trong thư:
“Chúng tôi còn hai đứa con khác và chúng tôi phải bảo vệ chúng,
chứng tỏ cho chúng thấy rằng các ngài sẽ có những trừng phạt về kỷ luật và
sẽ đồng hành cùng chúng tôi để phạt những đứa quấy rối ấy. Các ngài
không thể bảo vệ những con người này, vì sự chểnh mảng, cẩu thả và thái độ
im lặng mà họ đã đẩy Marion đến chỗ kết thúc cuộc đời mình.”
Trong phần kết luận, bố mẹ đã tung ra một lời kêu gọi cầu cứu thực sự:
“Giờ là nghĩa vụ và trách nhiệm của các ngài, thưa ngài Tổng Thống
Hollande và ngài Bộ trưởng Vincent Peillon, cần phải rảo bước để cứu các
con chúng tôi. Với Marion thì đã quá muộn và thật là đáng tiếc nhưng mọi
thứ vẫn còn có thể thay đổi đối với những đứa khác. Xin hãy hành động!
Ngày mùng 10 tháng Tư năm 2014, mẹ đã lại một lần nữa gửi lá đơn
thỉnh cầu đến Tổng Thống, và một bản sao đến Bộ trưởng Quyền Phụ nữ,
Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, khi ấy là Benoit Hamon.
Người này cuối cùng cũng đã trả lời mẹ vào ba tháng sau đó bằng một lá thư
lạnh lùng và xa cách, sau khi mẹ đã tới tấp gọi điện đến văn phòng của ông
ấy và của François Hollande. Mẹ đã giải thích với họ rằng vừa phát hiện ra
trong các thư tín gửi đến các cấp trên của mình, ông Hiệu trưởng trường
Trung học cơ sở của con đã đặt biệt danh cho mẹ là “kẻ gièm pha”. Mẹ đã
rất bực mình, con hình dung được chứ, ngán ngẩm tột độ.
Mẹ cũng đã khám phá ra rằng bà đại diện phụ huynh học sinh của
trường - và của lớp con nữa! - đã gửi một lá thư ủng hộ thầy Hiệu trưởng.
Bố mẹ coi điều đó như một sự phản bội. Một người đại diện được các phụ
huynh bầu ra mà mẹ nghĩ vốn để bảo vệ quyền lợi cho các phụ huynh.
Nhưng đã chẳng có sự bảo vệ quyền lợi nào ở đây hết.
Điều nhọc nhằn đau đớn nhất không nằm ở đấy. Nó nằm trong câu trả
lời của Sở Giáo dục, nơi này trong thư trả lời, đã cảm ơn sự ủng hộ của bà
đại diện phụ huynh học sinh kia.