bỗng trỗi dậy trong tâm tưởng mẹ. Con đã treo lơ lửng cái điện thoại di động
của mình bên dưới chiếc giường tầng. Từ đó vẫn vẳng ra một bài hát, luôn là
bài hát ấy, ám ảnh, đau nhói. Mẹ đã chỉ thực sự nghe thấy nó khi những
người lính cứu hỏa đến giằng con ra khỏi mẹ. Và khi đó mẹ mới nhìn thấy
cái điện thoại di động đáng ghét ấy. Nó ở đó, lủng lẳng trên một đầu sợi dây,
với kênh sóng của đài radio cứ lặp đi lặp lại. Con đã tự vẫn trong tiếng nhạc,
nhưng trước đó, con đã tắt vĩnh viễn chiếc điện thoại di động của mình.
Chiếc điện thoại mà mọi rắc rối đều xảy đến từ đó, những lời thóa mạ, sự
quấy rối. Đó là vũ khí gầy án. Con đã giết chết nó một cách hết sức biểu
tượng.
Đúng thế, đột nhiên hành động của con trở nên có ý nghĩa. Và cơn cáu
giận đã nhấn chìm bố mẹ, một làn sóng ma quỷ dâng trào khiến bố mẹ ngạt
thở. Bọn chúng đã khiến con đau đớn biết bao nhiêu để đến mức con phải
treo cổ chiếc điện thoại của mình và có ý nghĩ muốn ra đi mãi mãi chứ? Quả
là bỉ ổi, quá sức chịu đựng. Còn những người lớn chịu trách nhiệm về con ở
trường Trung học cơ sở Jean-Monnet de Briis-sous-Forges thì đã chẳng nói
gì cả, chẳng làm gì hết để giúp con tránh khỏi những chuyện đó.
Tuy nhiên, mẹ đã phản ánh với họ rằng con phàn nàn rất khó tập trung
vào việc học trong cái lớp vô kỷ luật ấy. Mẹ đã ba lần đề nghị gặp thầy Hiệu
trưởng, nhưng chẳng lần nào thầy ấy chấp nhận gặp mẹ cả. Mẹ đã gọi cho
thầy ấy nhiều lần để giải thích rằng bố mẹ muốn đổi con sang lớp khác.
Thầy ấy đã đáp lại những đề nghị của mẹ hoặc bằng sự im lặng, hoặc bằng
sự khinh bỉ.
Thế là hôm đó, sau khi đọc xong bài báo đăng trên tờ Le Parisien, khi
phát hiện bài báo này khẳng định con đã là nạn nhân của nạn quấy rối học
đường, mẹ căm thù ông thầy Hiệu trưởng ấy vì đã không thấu hiểu cho sự
bất hạnh của con. Mẹ căm thù tất cả những ai ở trường học đã không giúp
đỡ con, không lắng nghe những phản ánh của chúng ta, không giải mã được
nỗi hoảng loạn trong con, không thấu hiểu những lo lắng của các bậc phụ