trách móc mẹ. Và hơn nữa, mẹ muốn biết sự thật về những gì đã xảy ra.
Thật rắc rối quá đi!
Làn sóng thù địch này cứ thế trôi nổi quanh gia đình mình, hoặc người
ta kể cho bố mẹ nghe, hoặc bố mẹ tự đoán ra, củng cố thêm cảm giác đơn
độc mà bố mẹ đã cảm nhận được khi đối đầu với nhà trường. Thế giới học
đường đã tạo thành một khối chống lại chúng ta. Dẫu sao thì đó cũng là cảm
giác của bố mẹ bởi không một ai bộc lộ hay lên tiếng cả. Sau lễ an táng, bố
mẹ muốn lấy bảng tổng kết đầu tiên của học kỳ hai
[*]
, vừa được trao cho
học sinh khối lớp Tám. Bố mẹ muốn kiểm tra xem bảng điểm này có phản
ánh sự thay đổi nào đó nơi con không. Ban giám hiệu nhà trường nói rằng sẽ
gửi bảng điểm theo đường bưu điện nhưng bố mẹ không đồng ý. Bố mẹ hy
vọng được nghe giải thích về thái độ và kết quả học tập của con trong tháng
Giêng và đầu tháng Hai đó.
Mẹ đã cầu cứu đến đại diện hội cha mẹ học sinh để bác ấy can thiệp
nhằm có được một buổi hẹn. Bác ấy đã nói với mẹ: “Tôi sẽ làm.” Và mẹ đã
phải giục bác ấy không biết bao nhiêu lần qua điện thoại và tin nhắn SMS.
Một hôm, bác ấy bắt máy rất vội vã: “Tôi đang ở trước cổng trường đây, tôi
đón bọn trẻ.” Mẹ liền lợi dụng cơ hội: “Chị đã đến gặp thầy Hiệu trưởng
chưa?” Khi bác ấy trả lời là chưa, mẹ đã tiếp tục: “Sao chị lại không vào gặp
thầy Hiệu trưởng và đề nghị ông ấy cho một buổi hẹn nhỉ?” Rốt cuộc, mẹ
nhận được một tin nhắn thông báo rằng mẹ đã “được thỏa mãn”: “Chị sẽ đến
Évry để nhận tài liệu vào hồi 9 giờ 30.” Évry, đó là Sở Giáo dục. Xa lắm! Ở
đó chả ai biết con là ai cả. Mẹ đã trả lời bà ấy rằng sẽ không có chuyện đó.
Bố mẹ sẽ không đi Évry. Trường Trung học cơ sở của con cách nhà năm
phút chạy xe, và cho dù thế nào đi nữa, bố mẹ muốn được đón tiếp.
Đó là cả một cuộc chiến kéo dài và đầy phiền phức. Mới đây mẹ phát
hiện ra rằng thầy Hiệu trưởng đã viết thư cho Sở Giáo dục về việc bố mẹ đề
nghị được nhận bảng điểm học kỳ của con từ chính tay thầy ấy: “Tôi có
buộc phải tự tay trao cho họ không?”