“Tôi có buộc phải tự tay trao cho họ không?” Như thể bố mẹ là kẻ thù
số một vậy. Đúng là bố mẹ đã đưa đơn kiện ông/bà X
[*]
. Thử đặt ông ấy vào
vị trí của bố mẹ thì ông ấy sẽ làm gì chứ? Nhưng nếu như vị Hiệu trưởng
này ít hèn nhát và có phẩm cách hơn, ông ấy chắc đã chấp nhận cách tiếp
cận của bố mẹ. Ông ấy hẳn đã đứng ra lãnh trách nhiệm của mình, sẵn sàng
chia sẻ nó với những người đã có thể báo động hoặc ngăn cản con lao về
phía cái chết. Nhưng không. “Tôi có buộc phải tự tay trao cho họ không?”
Thực tế ông ấy lại đi hỏi xem mình có được phép không, ông ấy muốn được
bảo trợ.
Vì tình người thôi, ông ấy lẽ ra nên tiếp đón bố mẹ và đối đầu với phản
ứng đầu tiên của mẹ vào buổi sáng sau hôm con qua đời, nên nhân đôi sự
quan tâm đối với gia đình ta, cha mẹ của con, em gái và em trai con.
Bố mẹ đã gọi đến văn phòng của Bộ trưởng Vincent Peillon. Nơi đây
dẫu sao cũng đã dành thời gian gọi điện chia buồn với gia đình vào ngày tổ
chức tang lễ. Họ đã tiến hành một cuộc điều tra hành chính. Ở cấp độ này,
họ dường như không trơ lì hoàn toàn, dẫu rằng sau này nghĩ lại, bố mẹ có
cảm giác đã bị dẫn đi lòng vòng...
Hai tháng sau cái chết của con, ngày 15 tháng Tư, nhờ sự trung gian
hòa giải của Éric Debarbieux, đại biểu đại diện của Bộ, tác giả của một bản
báo cáo về bạo lực học đường, và có lẽ cũng do đề nghị của chính phủ, cánh
cửa trường Trung học cơ sở của con cuối cùng cũng mở ra. Bố mẹ cũng yêu
cầu sự có mặt của bà Phó Giám đốc Sở Giáo dục, người đã phát biểu trên
kênh truyền hình France 3 vào ngay sau ngày con qua đời, và thầy giáo chủ
nhiệm lớp con. Đã chẳng có ai trong hai người này đến cả. Cũng chẳng có ai
trong hai người này gửi một câu xin lỗi hoặc giải thích đến bố mẹ.
Không một ai đón đợi bố mẹ và những người khác ở cổng trường. Khi
vào đến tiền sảnh, tất cả được tiếp đón bởi một cô quản sinh và một cô làm ở
phòng giáo vụ của Sở Giáo dục, được bà Phó Giám đốc phái đến. Thầy Hiệu
trưởng đứng trân trên tầng hai, tại cửa dẫn vào khu quản lý.