những ai là bạn của người đó, tóm lại mẹ cuối cùng đã hỏi được một bà mẹ
và bác ấy biết đứa con trai có cái tên riêng đó. Bác ấy nói cho mẹ biết rằng
nó được một người đàn bà nuôi dưỡng và người này luôn ngập ngụa trong
những buồn phiền lo toan. Ngay tối hôm đó, mẹ đã soạn một cái thư điện tử
gửi đến thầy Hiệu trưởng, và hôm sau mẹ gọi cho thầy Phó Hiệu trưởng:
“Bố mẹ em ấy li dị nhau, bố sống ở châu Phi”, thầy ấy đã giải thích cho mẹ.
Mẹ tin rằng thầy ấy đã triệu tập cậu con trai ấy và mẹ cậu ta. Họ đã xin lỗi.
Cậu ta đã hứa không tái phạm nữa trong lúc thề rằng chính cậu ta cũng
không biết tại sao lại dọa con như vậy.
Con đã tìm hiểu xem ai đã cho cậu học trò kia số điện thoại hoàn toàn
mới mẻ của con - con chỉ vừa mới nhận được cái điện thoại di dộng mà thôi.
Đó là Mathilde, cô gái mà hai năm sau, mẹ vẫn không biết phải nghĩ gì về
nó.
Mẹ con mình đã cùng nhau tranh luận những vấn đề bạo lực học
đường. Mẹ đã cho con xem những video về cách phòng tránh đang lan tỏa
trên mạng Internet trước khi có một chú hiến binh đến trường của con để
giới thiệu chúng và giúp các con nhạy cảm hơn với chủ để này. Cả hai mẹ
con mình đã nói về nạn quấy rối như là quấy rối tình dục. Mẹ đã không
kiêng kị gì. Mẹ đã cảnh báo con chống lại bọn ấu dâm từ khi còn nhỏ.
Lên lớp 7, con bị mổ ruột thừa. Mẹ còn nhớ, vào tối hôm trước con kêu
đau bụng nhưng Clarisse lại bị bong gân, điều đó khiến bố mẹ tập trung vào
em hơn. Sáng hôm sau, con đã đến gặp bố mẹ: “Cả đêm con không ngủ
được, con đau thực sự đấy.” Bố mẹ đã hỏi con tại sao lại không đến nói với
bố mẹ ngay. “Con không muốn quấy rầy bố mẹ mà.” Con là vậy đấy, Mayon
của mẹ. Con không bao giờ muốn quấy rầy người khác.
Năm sau, con đã đưa chân vào nan hoa xe đạp của một cậu bạn mà con
đi xe đạp cùng. Vị bác sỹ đã không khỏi ngạc nhiên sau khi xem kết quả
chụp phim: “Với vết gây này con gái bà chắc đã phải gào toáng lên chứ.”
Mẹ dẫn con vào phòng giải phẫu, và chính con lại trấn an mẹ: “Mẹ ơi, mọi
sự sẽ ổn thôi mà!”