trước lễ Noel, thầy ấy đã rất ân cần: “Tôi biết là những lúc như thế này với
bà quả là nhọc nhằn.” Mẹ nhắc lại với thầy đề nghị chứng thực của mẹ về
các lá thư đã không được ban giám hiệu trao cho gia đình mình. Khi ấy,
trước sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của mẹ, thầy ấy đã lẩn tránh: “Ơ không,
thực ra đã chẳng có thư tín gì hết.” Ở nhà ga, thầy ấy đã nói với mẹ điều
ngược lại. Và cả sau hôm ấy, mẹ đã nói chuyện với thầy qua điện thoại, thầy
đã xác nhận với mẹ việc này. “Tôi không hiểu. - mẹ nói - Thầy đã nói chắc
chắn với tôi hai lần liền rằng những lá thư đó đã được cho vào trong một
phong bì và được trao cho thầy Hiệu trưởng. Nhưng bây giờ thầy lại nói
rằng không có gì cả là sao?”
Khi mẹ hỏi liệu thầy đã liên hệ với cô L. chưa thì thầy ấp úng: “Có,
chúng tôi đã nói chuyện với nhau, nhưng thực ra thì đã chẳng có gì hết. Nếu
mọi người không liên hệ với bà thì đó là bởi bà đã nói với thầy Hiệu trưởng
rằng bà không muốn gặp gỡ ai hết.” Mẹ đã suy sụp, giờ lại càng suy sụp
nhiều hơn. Thầy ấy biết rằng trong cơn choáng váng, mẹ đã nói với thầy
Hiệu trưởng rằng mẹ không muốn tiếp xúc với cá nhân thầy Hiệu trưởng,
nhưng chuyện này thì có liên quan gì đến những người khác chứ. “Thầy sẽ
không đứng ra làm chứng cho tôi sao?” Thầy ấy đã trả lời là không. “Trong
trường hợp ngài thẩm phán cho triệu tập, liệu thầy có sẵn sàng nói không? ”
- “Chuyện đó sẽ tính sau.”
Ngán ngẩm đến cùng cực, mẹ đã hỏi thầy rằng tại sao không một ai
muốn đứng ra làm chứng: “Liệu có phải các giáo viên có trách nhiệm bảo
mật hay cái gì đó tựa như thế chăng? Tuy nhiên, thầy hiện giờ không thể bị
bãi miễn, thầy sẽ chẳng có nguy cơ rủi ro gì hết mà.” Không phải là không
thẳng thắn, thầy ấy đã giải thích cho mẹ biết rằng tùy theo bảng nhận xét, họ
có thể được thuyên chuyển nhanh hoặc chậm lại.
Mẹ muốn làm một bản tự phê bình, có thể mẹ đã không tỏ ra mềm
mỏng như mơ ước nhưng có một luồng không khí kỳ cục bao trùm lên
quanh gia đình mình sau cái chết của con.