Công việc kinh doanh của hãng LV bắt đầu tại Paris từ năm 1855 với sản
phẩm bao bì đựng quần áo chống nhăn, sau đó được phát triển và mở rộng
nhưng hình ảnh của hãng vẫn gắn liền với những hàng hóa xa xỉ. Bước đi
chiến lược của hãng được thực hiện vào năm 1987, khi hãng sát nhập với
Moet Hennessey - một công ty sản xuất nước hoa và rượu champagne của
Pháp. Tiếp sau bước đi này, con đường phát triển của công ty mới càng trở
nên êm ả hơn. Từ đó đến nay, Louis Vuitton đã tiếp tục củng cố thêm thương
hiệu thông qua việc mua lại nhiều nhãn hiệu nổi tiếng khác, bao gồm nhãn
hiệu quần áo Christian Lacroix và giầy Beluti năm 1993, đồng hồ Tag Heuer
năm 1993 và dĩ nhiên không thể không kể đến nhãn hiệu thời trang hàng đầu
Donna Karan năm 2000.
Vậy đâu là bí mật đằng sau sự thành công của hãng?
Liệu có phải bí quyết nằm ở việc hạn chế sản xuất hàng hóa tại các nước
thuộc thế giới thứ ba - nơi có chi phí sản xuất thấp hơn?
Chắc chắn câu trả lời là không, vì chất lượng sản phẩm sản xuất tại nhiều
nước đang phát triển không kém gì sản phẩm được sản xuất tại chín nhà máy
của hãng trải khắp nước Pháp, Tây Ban Nha và Nam California. Chìa khóa
thành công của LV nằm ở khả năng bảo vệ hình ảnh “quý tộc” cho sản phẩm
của hãng, và hình ảnh sản phẩm dành cho tầng lớp thượng lưu này lại một
phần được tạo ra từ chính sách định giá của LV.
LVMH đã kiên trì theo đuổi một chiến lược định giá xa xỉ, nghĩa là ra giá
cao, sản xuất hạn chế số lượng một sản phẩm và không giảm giá. Giá của
một sản phẩm là như nhau tại mọi nơi trên thế giới, không mặc cả, không hạ
giá!
Khi một phóng viên tạp chí thời trang hỏi liệu cửa hàng Louis Vuitton tại
Paris có chiến dịch bán giảm giá hậu Christmas không, Giám đốc hãng LV
Yves Carcelle đã trả lời dứt khoát: “Không, bán giảm giá sẽ làm giảm giá trị
nhãn hiệu của chúng tôi”.