trái, có vết bầm tím. Dấu vết va đập vào vách đá trong mơ. Hữu chuệch
choạng bước ra phòng khách. Nhã Thư ngồi trên sofa, ánh mắt phê phán:
-Anh la hét suốt đêm! Chưa bao giờ em thấy ai la to đến thế. Em nằm ngoài
này mà giật mình hoài.
-Anh nằm mơ. Ác mộng thật sự.
-Không dưới ba lần, anh gọi tên Thái Vinh…
-Ừ, nó hiện ra như một bóng ma, truy đuổi anh. Con bé điên khùng ấy còn
gạt anh, đẩy anh rơi xuống vực! – Nỗi tức giận tràn lên trong Hữu. Anh ta
ngồi vật xuống ghế - Nó muốn gì nhỉ? Nó gây hại cho anh như thế chưa đủ
sao? Anh thật ngu xuẩn vì đã làm manager cho con bé khốn kiếp. Bao
nhiêu brochure, hình ảnh, poster quảng cáo sử dụng nó đều phải hủy bỏ, gỡ
xuống. Mấy agency gọi điện. Bọn chúng nguyền rủa anh không để đâu cho
hết. May mà anh khôn khéo vin vào một số sơ hở trong hợp đồng, nếu
không đã phải bồi thường hàng đống tiền. Thật là xui rủi!
-Anh nói ai xui rủi? – Ánh nắng ban mai khiến Nhã Thư gần như trong
suốt.
-Còn ai nữa, ngoài anh? – Hữu vẫn chưa nguôi phẫn nộ.
Nhã Thư im lặng, đờ dại trong khoảnh khắc rất ngắn. Cô hơi so vai, như bị
nhiễm lạnh. Thế nhưng Hữu chợt nhận ra bằng động tác ấy, cô đã cất giấu
bản thân, trở nên hoàn toàn xa cách với anh.
-Có bao giờ anh nghĩ anh cũng có liên lụy phần nào đến cái chết tội nghiệp
của Thái Vinh không?
-Không một mảy may! – Hữu thản nhiên, gần như thách thức – Mỗi người
hãy làm ơn tự chịu trách nhiệm về cách lựa chọn hành động của họ đi. Em
nghĩ anh tàn nhẫn sao? Nếu thế, thì anh cũng chịu trách nhiệm về nạn phân
biệt chủng tộc trên thế giới này nhé? Hay chiến tranh ở vùng Vịnh cũng là
do những bộ óc lạnh lẽo và vị kỷ như anh gây ra?
-Nếu anh bớt nghĩ về anh, tính toán cho cô bé đôi chút, đừng có thản nhiên
vắt kiệt, đẩy nó vào những trò mạo hiểm hầu kiểm soát dễ dàng cô bé, có
thể Thái Vinh đã hoàn toàn khác! – Nhã Thư nói đều đều, gắng sức kìm chế
để không gào lên – Em không tin cái gọi là sự rủi may của số phận đâu.