theo con đường người khác vạch sẵn được nữa. Phía sau lớp vỏ kiên định,
chấp nhận cạnh tranh và dễ dàng thành công, anh trống rỗng ghê gớm.
Thực sự, thì anh khác gì Thái Vinh? Được nuôi dạy trong một môi trường
tử tế. Được tạo mọi điều kiện để chiếm lĩnh những gì người đời thường
thèm muốn, chứ có phải thật sự anh mong đợi không? Một cách vô thức,
Thái Vinh sớm nhận ra điều đó, đã chống cự và lăn xả vào các cuộc lùng
kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, theo cái cách điên cuồng của cô. Còn
anh thì đã sớm chấp nhận, với cả sự hài lòng và kiêu hãnh ngây thơ. Nhưng
ai có thể đứng mãi trên lớp băng mỏng?
Đôi khi, hiện ra trong Vĩnh nguyên vẹn cuộc nói chuyện cuối cùng với Nhã
Thư. Cô đứng thẳng trước mắt anh, nghiêm trang và tự chủ. Cô thoảng mỉm
cười khi anh nói với cô về một đời sống đầy đủ và yên ổn, sự ấm áp và
vững tin, cảm giác hạnh phúc của một gia đình nhỏ. Trong bóng nụ cười
bình thản, anh chợt nhận ra cô không tin, và không còn cần thiết những
điều ấy nữa. Anh nhớ như in cảm giác khi cô đặt bàn tay lên lưng anh, nhớ
giọng cô khi nói về việc không thể xây một ngôi nhà từ đống gạch cũ nát.
Mọi cuộc trưởng thành đều cần thiết sự phá hủy. “Anh có nghĩ, gắn bó với
ai đó lâu dài khi mới hơn hai mươi tuổi là một quyết định phiêu lưu? Em sẽ
sinh con, nuôi con một mình. Anh và em cứ đi cho hết con đường đã chọn.
Nếu thực sự là của nhau, chúng ta sẽ có ngày quay trở lại…”.
Cuối cùng, thì anh cũng có quyết định của riêng mình. Anh cần học tiếp.
Sự thôi thúc từ bên trong. Anh tin, quá trình học và nghiên cứu sẽ cho anh
cái nhìn rộng hơn, sâu hơn, để từ đó, anh có thể khám phá chính bản thân,
tìm lại mục tiêu đã bị thất lạc. Khi nghe quyết định của anh, ba Vĩnh nhướn
mắt băn khoăn: “Có nên làm việc thêm một thời gian để lấy kinh nghiệm
thực tế, sau đó con đi học cũng không muộn?”. “Con nghĩ đi học là việc
con cần làm nhất lúc này!” – Vĩnh nói đơn giản. Ba anh gật đầu, không nói
gì thêm.
Đúng giờ hẹn, Hải đến, đưa Vĩnh ra sân bay bằng taxi. Họ trao đổi vài