ích kỷ. Nhưng cứ nhìn mấy chuyện nhỏ xíu tụi nó làm, thấy tụi trẻ vẫn biết
quan tâm đến người ta lắm chớ. Đúng hôn?". Ông Sáu ậm ừ: "Thì cũng tùy
người. Tui đâu có vơ đũa cả nắm!". Hữu cười thầm, chúi mũi vào trang
báo, đọc kỹ từng tiêu chuẩn tuyển dụng. Bà Sáu hồ hởi đẩy chén cháo đầy
sang phía Hữu, mời: "Ăn đi cháu!".
Trên đời này, nếu phải nói món ăn nào căm ghét nhất, Hữu sẽ gọi ngay tên
cháo trắng. Cái món ăn tầm thường nhưng dính chặt vào ký ức ghê khiếp.
Nó nhắc anh nhớ tới tuổi nhỏ khốn khó, khi ba má anh còn dính chặt với
những chuyến buôn bán cá tôm lặt vặt ngoài chợ, thua lỗ thường xuyên.
Chỉ ngửi thấy mùi cháo trắng thoáng qua, Hữu thấy ngay ánh mắt tuyệt
vọng của má anh khi những ngày bán hàng lỗ lã đến nỗi cụt vốn. Chỉ ngậm
một miếng cháo nhạt hoét trong miệng, anh như lấy lại dư vị giọt nước mắt
khi ba anh thất vọng phát điên, đập phá đồ đạc trong nhà. Ơn trời là chuỗi
ngày vất vả ấy cũng đã qua. Ba má anh làm ăn khấm khá lên, không giàu
có, nhưng đủ cho anh lên thành phố học đại học và sống tử tế, chưa rơi vào
cảnh thiếu hụt...
Hữu với tay lấy tách cà phê, từ chối nhẹ nhàng: "Cảm ơn bác. Cháu không
thích cháo trắng lắm đâu!". Bà Sáu ngạc nhiên, khựng lại: " Sao hôm bữa
cháu bịnh, cháu nói cháo trắng là món ăn cháu ưa nhất từ hồi nào tới giờ?".
Anh chột dạ, cụp mắt. Đúng là đợt vừa rồi, bị cảm sốt, anh đã nói khéo để
cảm ơn lòng nhiệt tình chăm sóc của bà Sáu chủ nhà. Kỳ thực khi bà quay
đi, anh đã đổ quách tô cháo giải cảm vào la-va-bô. Ánh mắt ngờ vực của bà
Sáu vẫn đăm đăm đặt lên Hữu. Anh đành kéo tô cháo về phía mình, làm vẻ
mặt vui vẻ: "Cháu nói vậy vì không muốn ăn nhiều quá, hết cả đồ ăn sáng
của hai bác thôi mà". Bà Sáu gắp vào chén anh nửa miếng hột vịt muối, vui
vẻ trở lại. Bên kia bàn, ông Sáu Minh vẫn chăm chú đọc báo, không tham
gia câu chuyện vặt vãnh. Nhưng đôi lông mày rậm của ông thoáng cau lại.
Buổi sáng không phải lên giảng đường, Hữu nằm khểnh trên phòng, đọc tài
liệu về quảng cáo hiện đại. Việc sắp sửa làm bài chung nhóm với Vĩnh và