đâu nữa. Tống Tề Dụ bâng khuâng nhìn cỗ kiệu dần đi xa, lòng anh dường
như cũng có làn sương dâng lên, chơi vơi, trống trải.
• • •
Sau khi vào trường Thái học và ổn định mọi bề. Tống Tề Dụ bắt đầu
đi các chốn dò hỏi về vị “viên ngoại lang” họ Trương.
Nhưng Viên ngoại lang chỉ là chức quan lục phẩm, ở kinh đô có đến
vài trăm vị, và cũng có đến mấy chục vị Viên ngoại lang họ Trương. Anh
đã lần lượt dò hỏi nhưng không thể tìm ra vị nào là phụ thân của Liên
Quan.
Về sau, Tống Tề Dụ lại cho rằng mình đã nghe nhầm họ Chương
thành họ Trương, anh lại đi tìm những vị Viên ngoại lang họ Chương, họ
Chiêm, họ Triển, họ Tr… đều không có kết quả. Anh dần quên lãng chuyện
này, thậm chí coi Liên Quan như một bông sen xuất hiện trong giấc mơ,
nửa thực nửa hư…
Khi anh gần như đã quên thật, thì một hôm nhận được bức thư gửi qua
người gác cổng trường Thái học, mở ra xem, thấy hai chữ đầu tiên là Liên
Quan…
• • •
Trong quán trà Lão Nhạc, Cầm tử Nhạc Chí Hòa đang cầm mảnh vải
lau bàn lau ghế …
Lúc này vẫn còn rất sớm, quán chưa có khách, trên sông Biện Hà, làn
sương sớm mai chưa tan, chỉ nghe thấy tiếng mái chèo khua nước của vài
con thuyền, từ xa vọng đến vài tiếng chim hót…
Quán trà này vốn là của người bác ruột, bác không có con trai nên
nhận Nhạc Chí Hòa làm con nuôi. Anh ham đọc sách và rất ưa thanh tĩnh,
không thích bôn ba mệt mỏi vì lợi lộc. Năm 15-16 tuổi, anh đã bắt đầu giúp
bác trông coi quán trà này. Mấy năm nay bác đã già yếu, mình anh cáng
đáng mọi việc. Thu nhập từ bán nước chỉ tạm đủ sống, nên các quán trà bên
sông Biện Hà đều bán thêm món ăn, nhưng Nhạc Chí Hòa không thích bày