thói tục lễ nghi tự tiến cử với Tống quân, vô cùng hổ thẹn và sợ hãi. Ngày
đêm lo lắng chờ mong. Mong cùng hiểu lòng nhau. Ngày… tháng ba. Liên
Quan kính thư.”
Nàng muốn mình sang dạm hỏi!
Tống Tề Dụ ngồi bên gốc cây tùng ở góc sân trường Thái học đọc đi
đọc lại bức thư, anh vừa mừng lại vừa hồi hộp thấp thỏm. Hình như người
hơi run run, anh đứng lên, sải bước đi đi lại lại.
Vẫn biết Liên Quan không như những cô gái khác nhưng anh không
ngờ nàng lại dám thẳng thắn nói ra tâm ý của mình. Một cô gái mảnh mai
lại có thể có tấm lòng cứng cỏi nhường này!
Hai hôm nữa là tiết Hàn thực, cả trường được nghỉ, mình sẽ đi Ninh
Lăng hỏi vợ!
Nhưng anh lại nhớ ra: ba hôm nữa là ngày Điện thí, nên anh lại do dự.
Ninh Lăng cách đây không xa, đi thuyền, cả đi lẫn về chỉ già nửa ngày là
cùng. Ba ngày là quá đủ! Nếu không, ba ngày này ở lại Biện Kinh có lẽ
mình không thể ngồi yên một khắc nào. Rốt cuộc, anh quyết định lên
đường.
Nhưng, dạm hỏi đương nhiên phải chuẩn bị lễ vật, anh liền nhẩm tính:
khi về kinh đô, mẹ anh đưa anh chiếc trâm vàng, nói là để dự phòng khi
khẩn cấp có thể cầm cố hoặc bán đi. Anh vẫn giữ cây trâm này, đính hôn thì
phải có trâm vàng, dùng nó là vừa khéo, chắc mẹ sẽ không trách anh. Về
tiền, anh chỉ có hơn một quan tiền, tạm đủ chi một chiều đi thuyền, cần vay
thêm. Chương Mỹ khá sẵn tiền nhưng hôm nọ tranh luận gay gắt đến giờ
vẫn chưa hết tức. Ngoài ra, phần lớn các bạn đều túng tiền, hoặc người sẵn
tiền thì không tiện hỏi vay.
Nghĩ mãi nghĩ mãi, anh bỗng nhớ đến chủ quán Lực phu là Đan Thập
Lục, nhiều lần nói “Tống Tề Dụ khi cần tiền thì cứ nói”, anh ta rất nhiệt
tình rất thoáng, có lẽ không phải chỉ là thuận miệng nói thế.
Sẩm tối, anh ra ngoài cửa Đông Môn tìm Đan Thập Lục hỏi vay năm
quan tiền. Nghe xong, Đan Thập Lục lập tức nhận lời và bước vào nhà
trong cầm ra một quan tiền, hai lạng bạc vụn: “Tống công tử có việc đi xa