nhau, chỉ nhìn thấy ông ta một lần vào hôm thanh minh. Lúc đó thấy ông ta
cười rất “hồn nhiên” dường như quên béng vụ kiện kia, khiến Triệu Bất
Vưu lấy làm lạ, nhưng rồi nhanh chóng hiểu ra: Lý Nghiễm luôn thường
trực nét cười ấy trong mọi hoàn cảnh xã giao. Lúc này Triệu Bất Vưu
không nỡ lạnh nhạt, cũng gật đầu và đáp lễ.
“May quá, tôi đang muốn đến thăm Triệu tướng quân. Tôi có người
anh họ gặp chuyện rắc rối về chuyện nhà đất, muốn nhờ người thưa kiện.
Liệu Triệu tướng quân có thể chiếu cố giúp đỡ anh ấy không?”
“Lý huynh nặng lời rồi, tại hạ sống bằng công việc đó mà!”
“Thế thì tốt quá. Lần trước tôi thua vụ kiện mảnh đất ấy, thì lần này tôi
phải gỡ lại. Ha ha…”
“Cứ mời ông anh ấy đến gặp tôi, lúc này tôi đang có việc, phải đi đã!”
“Được! Được! À, tôi còn muốn nói câu này…”
Triệu Bất Vưu định bước đi, đành phải dừng lại.
Lý Nghiễm vẫn tươi cười: “Mấy hôm nay Triệu tướng quân đang truy
xét vụ án con thuyền biến mất hôm thanh minh, phải không?”
“Phải!” Triệu Bất Vưu không muốn nói nhiều.
Lý Nghiễm: “Hôm đó tôi đứng ở đầu cầu. Đến giờ tôi vẫn không dám
tin ở mắt mình. Triệu tướng quân đã điều tra đến đâu rồi?”
“Đang điều tra.”
“Có điều, tôi nghe nói bộ Hình và Vương thừa tướng đã dập xóa vụ
này không cho điều tra nữa, mà ngài vẫn cứ làm, ngài không sợ à?”
“Sợ gì nhỉ?” Triệu Bất Vưu hơi khó chịu.
“Hề hề… Chuyện đó thực kỳ quái, bên trong chắc không hề đơn giản.
Có lẽ Triệu tướng quân cũng biết rồi nhưng tôi vẫn muốn nói thêm một
câu: đùa với lửa, coi chừng bỏng tay. Những năm qua tôi đã chứng kiến
nhiều rồi.” Lý Nghiễm vẫn cười nhưng ánh mắt có nét cảnh giác, rồi lại
cười vang: “Mấy năm nay tôi đã tin Phật, tôi muốn làm thêm những điều
thiện nên mới nói nhiều thế này. Mong ngài đừng trách tôi.”
“Đa tạ.” Triệu Bất Vưu chẳng thiết dài dòng, chắp tay chào, rồi sải
bước lên cầu.