Sau khi ra khỏi Phạm lâu, Trì Liễu Liễu cũng dần quên chuyện này.
Cô đi hát từ năm 13 tuổi, đã chứng kiến vô số chuyện tương tự, cô chẳng
bận tâm. Những nỗi niềm những vết sẹo trong lòng cô còn nặng nề hơn rất
nhiều và còn nổi cộm hơn cả những nốt chai tay do chơi đàn. Đôi khi cô
cũng nhớ đến Đổng Khiêm. Kể từ khi đến kinh thành, Trì Liễu Liễu đã tiếp
xúc với nhiều văn nhân, họ đều an phận, giữ Lễ, hiếm thấy ai như Đổng
Khiêm chân thành đối xử với cô, tán thưởng tài nghệ cầm ca của cô và còn
có thể đứng ra phản kháng người bạn, vì muốn bảo vệ cô.
Nhưng, cô chỉ cảm kích và nghĩ thế thôi chứ không dám tơ tưởng gì
khác, ngay ý nghĩ dò hỏi họ tên Đổng Khiêm, cô cũng không dám có. Và
thật không ngờ, lần sau gặp lại Đổng Khiêm thì cũng là lần vĩnh biệt đáng
buồn…
Vài hôm sau lần ấy, một buổi sáng, sau khi chải đầu, trang điểm, Trì Liễu
Liễu chuẩn bị ra khỏi nhà thì có tiếng gõ cửa. Khách là một thư sinh cao
gầy, hơi ngăm ngăm đen, tư thế chững chạc… cô đã đã từng gặp thì phải?
“Trì cô nương, tại hạ họ Hầu.”
“Hầu công tử có việc gì ạ?”
“Cô không nhận ra tôi à? Hôm đó ở Phạm lâu…”
“À… Hầu công tử. Anh đến đây? Mời anh vào!” Cô đã nhớ ra chàng thư
sinh ít nói, hôm đó cùng Đổng Khiêm và Tào Hỷ uống rượu nghe đàn.
“Bác nhân viên ở Phạm lâu cho tôi biết địa chỉ của cô, hôm nay tôi đến
mời cô đến giúp vui.”
“Tôi đâu dám phiền anh hạ cố đến tận đây? Anh chỉ cần nhắn một câu là
được mà! Anh cần tôi đến đâu, khi nào?” Trì Liễu Liễu xúc động nhớ đến
Đổng Khiêm.
“Vẫn là Phạm lâu. Trưa nay.”
“Vâng, tôi xin đến.”
“Ngoài ra…” Hầu Luân do dự.
“Gì nữa ạ?”