của hệ thống y tế, đúng không? Thật ra thì không. Mật mã của bệnh viện
khác biệt một cách rõ rệt (và theo chiều hướng tăm tối). Bệnh viện gợi lên
cảm giác về sự sinh tồn mạnh mẽ hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới. Chúng
ta sinh ra tại đây, chúng ta chết tại đây và tương lai của chúng ta thường
phụ thuộc vào những xét nghiệm cũng như những thủ tục khám chữa bệnh
diễn ra tại đây. Bệnh viện gieo những suy nghĩ về điềm gở bằng những lối
đi và phòng bệnh ngổn ngang các dụng cụ có vẻ ngoài đáng sợ, môi trường
lạnh lùng vô cảm, cằn cỗi, còn không khí thì toàn mùi khử trùng và máy
móc. Những người tham gia buổi khám phá kể những câu chuyện mang hơi
hướng kinh dị. Những từ ngữ như là “thăm khám” hay “không để tình cảm
chi phối” được sử dụng thường xuyên, có những đoạn như “được đưa vội
vàng đến phòng mổ để chết” và “họ đang khám nghiệm một vài cái xác”.
Mối liên kết vô thức chúng ta tạo ra với bệnh viện là khi chúng ta ở đó,
chúng ta không phải là người, mà là những sản phẩm. Mật mã của bệnh
viện ở Mỹ là NHÀ MÁY CHẾ BIẾN.
Mật mã của bệnh viện có thể khiến chúng ta sửng sốt khi so với những
mật mã tươi sáng của bác sĩ và y tá – nhưng không hề bất ngờ nếu chúng ta
nhớ lại rằng mật mã của sức khỏe là sự vận động. Bệnh viện hạn chế sự vận
động. Chúng ta cần phải nằm trên giường. Chúng ta bị gắn dây nhợ và nối
với máy móc khiến chúng ta không thể di chuyển dễ dàng. Kể cả khi chúng
ta được phép đi bộ, chúng ta cũng phải đi thật chậm, kèm theo một cái ống
truyền dịch. Và nếu chúng ta đủ may mắn để thoát khỏi đó, bệnh viện cũng
sẽ không để chúng ta rời đi bằng chính sức lực của mình, mà sẽ yêu cầu
chúng ta ngồi xe lăn.
Sự vận động là yếu tố mấu chốt tác động đến thái độ của chúng ta trong
chuyện này. Bác sĩ và y tá giúp chúng ta vận động trở lại và chúng ta yêu
quý họ vì điều đó. Còn bệnh viện lại ghim chúng ta xuống và chúng ta có
những suy nghĩ kinh khủng về bệnh viện.
Tiếp tục di chuyển