Ở góc độ kinh doanh, lăng kính mới được mật mã cung cấp mang đến cái
nhìn thấu đáo và thiết yếu đối với bất cứ công ty nào đang tìm cách tiếp thị
sức khỏe hay lối sống lành mạnh. Trong lĩnh vực này, một sản phẩm được
định vị như một thứ khuyến khích sự vận động, tính linh hoạt, năng động là
một sản phẩm thuận mã. Một ví dụ tốt là bảo hiểm ô tô GMAC. Khi có
người gọi điện cho GMAC sau một vụ tai nạn, câu hỏi đầu tiên của nhân
viên chăm sóc khách hàng sẽ là: “Anh có đi lại được không?”. Điều này
thừa nhận mối liên kết vô thức giữa sự vận động và tình trạng sức khỏe, và
nếu như người gọi điện có thể đi lại, điều này khiến anh ta khẳng định thêm
một lần nữa rằng có lẽ anh ta không bị chấn thương quá nặng. Thú vị là hai
câu hỏi tiếp theo của GMAC tác động đến những phần khác của não bộ.
Câu đầu tiên là: “Bạn cảm thấy thế nào?”. Câu tiếp theo là: “Anh có thể kể
chi tiết về vụ tai nạn cho tôi được không?”. Các câu hỏi theo trình tự từ não
bò sát đến hệ thống viền rồi vỏ não.
Bất kỳ sản phẩm nào gợi lên sự kiềm chế vận động đều là nghịch mã.
Mới đây, một hệ thống phân phối bán lẻ trong nước đã khởi động chiến
dịch quảng cáo sử dụng khẩu hiệu “Kiềm chế bản thân”. Tôi nghe mà ngán
ngẩm. Trong khi cửa hàng bán những sản phẩm dành cho mọi gia đình ở
Mỹ có thể sử dụng, thông điệp của họ lại hoàn toàn sai lệch đối với tiềm
thức của người Mỹ. Chúng ta không bao giờ muốn kiềm chế. Chúng ta có
thể muốn kiềm chế tính nóng giận, hạn chế lưu trữ “đồ đạc” cũ, hay những
bộ quần áo không hợp mùa, nhưng chúng ta không có chút hứng thú nào
với việc kiềm chế bản thân.
“Sự trẻ trung của nước Mỹ là truyền thống lâu đời nhất của đất
nước này. Cho đến nay nó đã tiếp diễn được 300 năm.” – Oscar
Wilde
Mật mã của sức khỏe ở Mỹ gửi đi một thông điệp hết sức lạc quan về quan
niệm của chúng ta đối với tương lai của chính mình. Chúng ta tin rằng nếu
chúng ta có một cuộc sống năng động và bận rộn, chúng ta sẽ giữ gìn được
sức khỏe. Miễn là chúng ta có việc gì đó để làm, thì chúng ta vẫn còn khỏe