Vậy tại sao chúng ta lại say mê tuổi trẻ đến như vậy? Một lý do chắc
chắn đó là chúng ta có một nền văn hóa đầy ắp những người nhập cư.
Những người nhập cư đến đây và bỏ lại quá khứ sau lưng. Họ làm lại từ
đầu ở Mỹ. Họ tái sinh trên mảnh đất này và thường có những công việc
mới và những giấc mơ (Mỹ) mới. Vì chúng ta tiếp tục thu nhận những
người nhập cư với số lượng lớn cho nên ý thức về sự đổi mới và tái tạo
luôn tồn tại trong nền văn hóa của chúng ta. Chính điều này giữ cho chúng
ta mãi trẻ trung.
Hơn nữa, bởi vì chúng ta có một nền văn hóa vị thành niên, nên chúng ta
có khuynh hướng suy nghĩ như trẻ vị thành niên, kể cả khi đã ở độ tuổi 60.
Chúng ta không muốn phải lớn lên. Chúng ta không muốn thích ứng với
tuổi trưởng thành. Chúng ta coi các thiết bị điện tử và xe ô tô như là
“những món đồ chơi” và chúng ta có những cuộc hẹn uống cà phê với “bạn
gái” kể cả khi các “cô gái” đó đã lên chức bà.
Vì tuổi trẻ ở Mỹ là một trạng thái tinh thần nhiều hơn là tuổi tác, cho nên
những người tham gia các buổi khám phá mật mã của tuổi trẻ trong nền văn
hóa này bao gồm mọi lứa tuổi. Thế nhưng, tuy có sự chênh lệch về tuổi tác,
các câu chuyện trong giờ thứ ba của buổi khám phá lại có những cấu trúc
rất tương đồng:
“Duy trì sự trẻ trung là một điều quan trọng tại cơ quan tôi. Sếp tôi
mới chỉ 29 tuổi và anh ta luôn sử dụng phép ẩn dụ thể thao khi nói
chuyện và ám chỉ chúng tôi là “những lão già”. Vài tháng trước, tôi
đăng ký tập thể hình lần đầu tiên sau 10 năm để có thể giảm vài cân và
làm săn chắc các múi cơ. Mỗi tuần tôi tập bốn buổi, mỗi buổi dài một
tiếng rưỡi. Tôi cảm thấy như mình đang tập luyện để tham gia một
cuộc thi chạy việt dã, nhưng nếu tôi muốn ở lại cuộc chơi, tôi phải
trông ưa nhìn.” – một người đàn ông 44 tuổi.
“Vợ chồng tôi trở về nhà sau bữa tối sinh nhật tôi và tôi phát hiện ra
sợi tóc bạc đầu tiên của mình. Trong một tuần, tôi tìm thêm được hàng
chục sợi nữa. Thế rồi một vài nếp nhăn bắt đầu xuất hiện. Tôi luôn tự
nhủ rằng mình nên giữ “vẻ đẹp tự nhiên”, càng ít trang điểm càng tốt