tôi liền lao vào tập luyện ngày đêm để lấy lại vóc dáng trước đây. Mọi
người vẫn chưa gọi tôi là “trẻ con”, nhưng ngày nào đó họ sẽ lại gọi
như vậy thôi.” – một người đàn ông 47 tuổi.
“Tôi luôn có một ảo ảnh về bản thân, đó là hình ảnh của tôi trong ngày
kết hôn. Tôi có làn da trắng ngần, đôi mắt to và mái tóc vàng lấp lánh.
Ai nấy đều ngỡ ngàng khi tôi bước đi giữa nhà thờ. Tôi là hình mẫu
hoàn hảo của một cô dâu trẻ. Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ trông như
vậy mãi, cho dù hàng chục năm có trôi qua. Vài năm trước, chồng tôi
qua đời. Khi trở về nhà sau đám tang, tôi nhìn mình trong gương và
thấy một người phụ nữ tóc lốm đốm bạc trong bộ quần áo đen. Tôi
không biết người phụ nữ già nua trong gương đó ở đâu ra. Giờ đây, tôi
tránh không nhìn vào gương nữa.” – một phụ nữ 63 tuổi.
“Tôi thích tuổi trẻ. Làm sao có thể không thích được cơ chứ? Ta có thể
làm mọi điều mình muốn, cả tương lai đang ở phía trước, các chàng
trai nhìn ta và yêu mến ta. Tôi lên kế hoạch giữ mình trẻ trung thật lâu
và tôi sẽ làm mọi thứ để được như vậy. Tôi có đọc một vài bài báo nói
rằng trong tương lai gần, các nhà khoa học sẽ tìm ra loại vắc xin chống
lão hóa. Tôi sẽ là người đầu tiên xếp hàng chờ tiêm.” – một cô gái 20
tuổi.
Trong những câu chuyện trên và hàng trăm câu chuyện tương tự, mọi
người nói về tuổi trẻ như là một thứ gì đó hữu hình, một thứ có thể giữ gìn
hoặc lấy lại được: “Tôi phải trông ưa nhìn”, “Vẻ ngoài của tôi có thể không
tự nhiên, nhưng nó khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn”, “Mọi người vẫn chưa
gọi tôi là ‘trẻ con’, nhưng ngày nào đó họ sẽ lại gọi như vậy thôi”, “Tôi sẽ
là người đầu tiên xếp hàng chờ tiêm”. Họ cảm thấy rằng mình có thể tạo ra
ảo giác về tuổi trẻ nếu nghe nhạc trẻ, trang điểm và nhuộm tóc, hay tưởng
tượng mình đang ở độ tuổi nào đó thay vì nhìn vào gương. Đối với người
Mỹ, tuổi trẻ không phải là một giai đoạn của cuộc sống, mà là một thứ bạn
có thể ẩn trốn đằng sau, một thứ mà bạn có thể đeo lên thay vì tuổi thật của
mình.
Mật mã văn hóa Mỹ của tuổi trẻ là MẶT NẠ.