nhập địa thành phố này. Đứng dưới một trong ba mươi ba mái vòm của cầu,
tôi tha hồ ngắm nhìn dòng người vào ra thành Isfahan. Một số người thì
đến từ vùng Vịnh, có làn da đen như dầu lửa bóng, những người khác đến
từ miền đông bắc có gốc gác Mông Cổ, đặc trưng bằng đôi mắt xếch và tóc
thẳng màu đen. Đôi khi tôi còn bắt gặp những người du mục, chân cẳng
như những khúc gỗ vì họ đi vào núi tìm cánh đồng cỏ cho đàn gia súc của
họ, lưng họ địu con nhỏ.
Thành phố này cũng nuôi dưỡng cho tôi tình yêu với những tấm thảm
dệt, bởi vì ngó mắt bất cứ đâu tôi cũng nhìn thấy mẫu mã. Tôi ngắm nhìn
cây cối, cỏ hoa trong khu Tứ vườn và hiểu rằng thiết kế của các tấm thảm
cũng là mô phỏng của vật thể thiên nhiên; bản thân quận trung tâm này đã
là một tấm thảm hình vườn khổng lồ rồi mà. Cũng chính lý do đó, tôi tìm
kiếm ra cho trò chơi với những con vật bày bán ở chợ: con lừa rừng đầy cơ
bắp dẻo dai, con linh dương đầy khí phách, con sư tử hách dịch, mà vẽ bờm
của nó thì rất khó.
Người ta nói rằng cháu có thể vẽ được những con chiến mã hàng trăm
năm trước khi chúng ra đời dưới ngòi bút của cháu. - Gostaham có lần nói.
Tôi cũng tỉ mẩn xem xét những tấm thảm được đưa về từ mọi vùng đất
nước Iran, và học được cách nhận biết những nút dệt và mẫu dệt đại diện
cho từng vùng. Thậm chí những tòa nhà trong khu Hình hài Thế giới cũng
có điều gì đó để dạy cho tôi. Một hôm, tôi đang đi ngang qua thánh đường
riêng của Quốc vương thì tôi thấy rằng những phiến đá lát gần chỗ cửa ra
vào trông cũng giống như những tấm thảm của người cầu nguyện. Nó có
màu chàm với những bông hoa vàng và trắng sinh động được bao quanh
bởi một cánh đồng đầy những lá ba cạnh màu xanh. Tôi tự hứa với mình
rằng một ngày nào đó mình sẽ học được cách làm nên bản thiết kế cũng
phức tạp như thế.
Ở nhà, những tấm thảm hầu như choán ngợp những suy nghĩ của tôi.
Tôi quyết tâm học được những gì Gostaham biết, và tôi chăm chỉ làm việc