19
Trong lúc đó, Azim đi mòn những phiến đá lát đường và nền đất nện của
các khu phố phía Đông Cairo. Một người thợ vẽ thường được cảnh sát thuê
đã chấp nhận vẽ cho anh một bức chân dung thật nhất có thể của nạn nhân
gần nhất, nhưng cẩn thận không vẽ lại các vết thương làm biến dạng mặt
đứa bé. Thám tử Matheson đã đề nghị anh nhường cho anh ta phần điều tra
về cái quỹ phụ trách việc giáo dục những đứa trẻ bị giết, nhưng lại không
đề nghị anh tránh xa cái quỹ đó.
Trên đường về trụ sở, anh chàng Ai Cập nhỏ bé đã xác định được nạn
nhân thứ tư. Anh tìm gặp được một số người có liên quan cho đến khi một
trong số họ lập tức nhận ra chân dung đứa trẻ.
Seleem Yehya, mười tuổi.
Azim chuyển thông tin cho phòng thư ký cảnh sát. May sao, để được quỹ
chấp nhận, bọn trẻ phải được đăng ký với số lượng thông tin tối đa. Bắt đầu
bằng địa chỉ nơi ta có thể tìm thấy chúng. Ở Cairo, các khu phố cổ có điểm
đặc biệt là không phải con phố nào cũng có tên, đánh số lại còn ít hơn nữa.
Khi ta hỏi đường, nói chung thường phải dựa vào các điểm mốc, ví dụ một
đài phun nước, một ngôi nhà có cửa chớp màu xanh da trời hay một ngã có
năm nhánh rẽ… Địa chỉ của Seleem được ghi lại theo quy tắc đó.
Trước giữa trưa, Azim tìm thấy cha mẹ của đứa trẻ, và trở thành sứ giả
thông báo cái tin tang thương kia. Anh hỏi họ vài câu ngắn gọn, giữa những
tiếng nức nở và kêu gào thảm thiết, trước khi biến khỏi con phố nhớp nhúa
nơi họ ở.