không đoái hoài đến chuyện ta đến đây. Hai vị giải thích mọi chuyện này
thế nào?”
“Đại nhân, có khi nào người dân huyện này đang định nổi dậy chống lại
triều đình?” Kiều Thái hỏi.
Địch Công lắc đầu đáp, “Rõ ràng là phố xá vắng hoe và mọi hàng quán đều
đóng cửa sớm hơn thường lệ. Nhưng ta không nhận thấy có bất cứ dấu hiệu
nào của bạo động và cũng không có các chướng ngại vật hoặc những hoạt
động phòng bị của quan quân. Thái độ của người dân trên phố không có vẻ
là đối nghịch, họ chỉ tỏ vẻ lãnh đạm mà thôi.”
Đào Cam trầm ngâm vuốt ba sợi lông dài mọc ra từ nốt ruồi trên má trái. Y
nhận định, “Thuộc hạ trộm nghĩ, có thể tai họa nào đó hoặc vài thứ dịch
bệnh nguy hiểm đã tàn phá huyện này. Tuy nhiên, điều đó cũng không liên
quan cho lắm, bởi không hề có dấu hiệu của nỗi sợ hãi hoang mang và
người dân vẫn thoải mái ăn uống quanh những quán hàng trên phố.”
Huyện lệnh gỡ vài mẩu lá khô ra khỏi dải tóc mai dài. Sau một lúc, ông lên
tiếng, “Ta không cần tên đề lao phải giải thích đâu. Tên này rặt một vẻ vô
lại tột cùng!”
Quản gia bước vào, theo sau là hai gia đinh của Địch Công. Một người
bưng chiếc khay gỗ có mấy bát cơm và canh, người còn lại bưng một bình
trà lớn. Ông bảo quản gia đem cơm vào nhà lao cho đám tù nhân kia. Mấy
người lặng lẽ ngồi ăn.
Khi ăn xong bữa cơm hổ lốn ấy và uống một chén trà, Kiều Thái ngồi suy
ngẫm hồi lâu, tay mân mê hàng ria mép. Rồi y cất lời, “Đại nhân, thuộc hạ
đồng ý với Mã Vinh, khi đang đi qua dãy núi, đệ ấy đã nói đám đạo tặc tấn
công chúng ta không phải bọn cướp nhà nghề. Đại nhân nghĩ sao nếu ta đi
thẩm vấn chúng xem rốt cuộc ở đây đang có chuyện gì?”