Tìm những điểm yêu thích chung. Khi bạn tìm mọi người trên
LinkedIn, bạn biết được sở thích và nền tảng của họ - nếu họ điền
thông tin vào hồ sơ. Biết được rằng bạn đã học chung trường, đã từng
làm cho một công ty, chơi cùng một môn thể thao, hay cùng xã giao
với các đối tượng khác là một cách hay để gắn kết với người đó khi
bạn gửi email hoặc gặp mặt lần đầu.
Kiểm tra độ tin cậy của người khác. Những ứng viên thông minh
đều khoe lời giới thiệu từ những người họ biết sẽ nói điều tốt, tuy
nhiên bạn cũng nên có những người kiểm chứng độc lập. Bạn có thể
sử dụng LinkedIn để tìm những người làm việc chung với ứng viên và
hỏi về người đó. Bạn cũng có thể sử dụng LinkedIn khi muốn tìm một
công việc mới. Lên LinkedIn để tìm những người đã làm việc cho sếp
tương lai và hỏi xem liệu bà ta có phải một người sếp tử tế.
Thăm dò công ty. LinkedIn có thể cung cấp cho bạn xu hướng của
các công ty. Ví dụ, bạn có thể biết rằng hầu hết những người ở vị trí
cao cấp trong công ty đó đều có bằng MBA của Harvard và đi học ở
những trường hàng đầu. LinkedIn cũng cho bạn thông tin các nhân
viên rời khỏi công ty đó và chuyển sang làm việc cho công ty đối thủ -
cho nên có lẽ bạn nên xem xét luôn công ty kia. Đừng hạn chế những
khả năng mà LinkedIn có thể giúp bạn kết nối được với những người
và công ty mà bạn muốn làm việc cùng hoặc bán sản phẩm. Bạn cũng
có thể dùng nó để xác định phạm vi của các đối thủ, đối tác và nhà đầu
tư.
Hòa nhập vào công việc mới. Đây là chiêu hay để bạn mê hoặc mọi
người khi bắt đầu một công việc mới: dùng LinkedIn để tìm hiểu về
đồng nghiệp. Nó sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ nhanh hơn với
những người mà bạn không quen biết.
Cuối cùng LinkedIn đã cho thấy nó là một công cụ mê hoặc tuyệt vời vì
nó cho phép bạn tìm kiếm mọi người, kết nối với họ, chia sẻ những cảm
hứng và kiểm tra uy tín của họ.