quý hơn, và mục tiêu cao quý hơn thì mê hoặc hơn đối với nhân viên
(và cả đối với khách hàng).
Cho thấy việc phản đối là chấp nhận được. Sự tồn tại của người
phản biện chỉ ra rằng nhà quản trị hoan nghênh những ý kiến trái
chiều, và điều này bồi dưỡng khả năng suy luận của nhân viên.
Khuyến khích giao tiếp nội bộ. Người phản biện đóng vai trò nhân
vật trung tâm để các nhân viên bất mãn có thể tiếp xúc để nói về các
vấn đề hay bất bình. Sự tồn tại của anh ta cũng cho thấy nhân viên
được tự do thảo luận các ý kiến, điều thường bị cấm kỵ trong các tổ
chức khác.
Bất kỳ cách nào cải thiện sản phẩm và tổ chức đều làm cho cuộc sống
của nhân viên tốt hơn, và đồng thời mê hoặc họ - vì vậy tôi ủng hộ người
phản biện.
Lắng nghe anh Bob
Bob Sutton là giáo sư tại Đại học Stanford và là tác giả cuốn Sếp giỏi,
sếp dở: Làm sao để trở thành sếp giỏi nhất... và học từ sếp tồi nhất. Ông
đưa ra một danh sách mười hai niềm tin của một ông sếp giỏi. Hãy xem đó
như một Tuyên ngôn của sếp giỏi:
1. Tôi hiểu một cách thiếu sót và không trọn vẹn về cảm giác khi làm
việc cho tôi.
2. Sự thành công của tôi - và của người của tôi - phụ thuộc rất nhiều vào
việc tôi thành thạo những việc hiển nhiên và bình thường, chứ không phải
những ý tưởng và sáng kiến thần kỳ, bí ẩn hay đột phá.
3. Có tham vọng và mục tiêu cụ thể là quan trọng, nhưng nếu chỉ suy
nghĩ về chúng thì vô ích. Công việc của tôi là tập trung vào những thắng lợi
nho nhỏ để giúp công việc mọi người tiến triển từng chút từng ngày.
4. Một trong những yếu tố quan trọng nhất, và khó nhất trong công việc
của tôi là cân bằng giữa việc quá quyết đoán, và việc thiếu quyết đoán.