nổi. Bây giờ Hạ Thiết Đông không còn nữa, Karaweik liền sống chết đòi
bám theo Tư Mã Khôi.
Tư Mã Khôi thầm nghĩ: “Có lẽ cậu bé nghĩ nếu theo chân chúng ta
tiến về phía trước sẽ phá được vòng vây mà sống sót, chẳng ngờ ba
người bọn ta chỉ có một con đường chết đang chờ đợi”. Thế là anh bèn
chỉ về hướng ngoài núi, đoạn nói: “Cậu hãy lên núi mà làm hòa thượng
đi.”
Nhưng Karaweik nào chịu nghe lời, nếu theo cách nói của người
Bắc Kinh thì cậu ta quá “lỳ”, quá cứng đầu, bất kể làm việc gì, chỉ cần
bản thân cho rằng đúng thì sẽ nhất nhất làm đến cùng mới thôi. Không
những thế, tuy rằng cậu có thể nghe hiểu được tiếng Hán nhưng lại chỉ
biết bập bẹ vài câu tiếng Trung lơ lớ, mà ngay cả Tư Mã Khôi cũng
chẳng hiểu cậu ta muốn nói gì. Thuyết phục không được, anh đành bất
lực phải cho Karaweik theo nhóm mình cùng tiến vào núi.
Tư Mã Khôi cho rằng đã rơi vào tình cảnh này thì thêm một người
hay bớt một người cũng chẳng hề gì. Hơn nữa, ở quê nhà Tuyệt cũng có
một người em trai, nhưng giờ đây thân cô đang ở Miến Điện, hoàn toàn
đoạn tuyệt mọi tin tức với trong nước, hai chị em đã nhiều không được
gặp mặt, tính ra cậu nhóc đó cũng trạc tuổi Karaweik. Thế là cô liền
chăm sóc cậu bé ân cần như chăm sóc chính em trai của mình vậy.
Tư Mã Khôi và Tuyệt còn dễ thuyết phục, duy chỉ có Hải ngọng thì
chẳng muốn Karaweik gia nhập đoàn chút nào. Bởi vì người bản địa có
tính lề mề chậm chạp, mặc cho người khác tha hồ thúc giục, họ cứ từ từ
mà làm, ngay cả bước đi cũng lững tha lững thững. Karaweik cạo trọc
đầu là vì người bản địa rất sùng bái đạo Phật. Theo tập tục này, đàn bà
con gái đã vào am làm ni cô thì vĩnh viễn không được hoàn tục, ngược
lại đàn ông có thể trở thành hòa thượng ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời
điểm nào, khi không muốn làm hòa thượng nữa thì nghiễm nhiên có thể
hoàn tục. Lý do để người ta vào chùa làm hòa thượng cũng muôn hình
vạn trạng, có người thì do tâm trạng không tốt muốn làm hòa thượng vài
ba ngày cho vui, có người lại do dạo này hay gặp vận đen nên xuất gia
làm tăng nhân mấy bữa để giải hạn.