là “Hối tử”, ngoài ra còn có “Ngựa vang” nghĩa là dân trộm cướp, “Quải
tử” là bọn cướp đường, “Nha tử” là dân đánh cá, “Phi tặc” ám chỉ những
kẻ mở khóa phá cửa ăn trộm của nả của thường dân, “Tiên sinh” ám chỉ
kẻ hành nghề bói toán, “Mộ sư” ám chỉ thầy coi tướng số phong thủy.
Tuy rằng thủ đoạn hành nghề, mưu sinh của mỗi ngành nghề không
giống nhau, nhưng đều phải thông văn tỏ võ và mang một chút màu sắc
mê tín nhất định. Nếu trong đó có nhân vật am hiểu về ngũ hành bát
quái, bí thuật phong thủy mà trình độ văn hóa lại tương đối cao, thì kẻ đó
sẽ được giới giang hồ vô cùng trọng vọng. Từ đó có thể luận ra một cách
tương đối là: “nghề hối tử” chẳng qua chỉ là tên gọi chung dành cho
những kẻ trộm mộ dân gian, còn kết cấu thành viên chi tiết thì vô cùng
phức tạp.
Sau khi cha của Ngọc Phi Yến qua đời, cô ả được thừa kế tổ
nghiệp, dẫn theo những thành viên cơ bản trong tổ chức cũ lập thành
“Sơn lâm đội lão thiếu đoàn” và tự mình làm thủ lĩnh. Dưới trướng cô ả
cũng có mấy trợ thủ đắc lực, ngoài Thảo Thượng Phi, Xuyên Sơn Giáp,
Hải Đông Thanh ra thì còn có một tên lưu vong người Liên Xô rất am
tường về thuốc nổ, mọi người gọi hắn là “Gấu trắng”.
Vị Khương sư phụ là tay trộm mộ lõi đời, không những vậy còn là
bậc cha chú của Ngọc Phi Yến, cũng có thể coi lão là thầy cô ả. Bởi thế
Ngọc Phi Yến vô cùng kính trọng, gọi lão là “lão Khương” và luôn răm
rắp nghe lời.
Ngọc Phi Yến từng được thụ hưởng nền giáo dục cao cấp, mấy
năm gần đây đã cải tiến hoàn thiện kỹ nghệ gia truyền của tổ tiên lên rất
nhiều. Dưới sự dẫn dắt lãnh đạo của cô ả, “Sơn lâm đội lão thiếu đoàn”
dần dần gây dựng thanh thế, cuối cùng tiếng tăm đã vang dội khắp khu
vực phía nam. Lần này, bọn họ mạo hiểm tiến vào núi Dã Nhân là do
chịu sự ủy thác của một khách hàng lớn, phải đi đến tận cùng con đường
U Linh để tìm kiếm một vật vô cùng quan trọng. Công việc lần này
không phải khai quật mộ cổ mà là “công việc đánh cược mạng sống”, đó
là công việc gian khổ mạo hiểm khác thường, có thể mất mạng bất cứ lúc
nào.