Tương truyền, ở Trung Quốc có một phương thuốc, đó là dùng “vó
ngựa” để khắc chế bùa ngải, phương pháp dân gian này khởi nguồn từ
Vân Nam. Nghe nói, thời xưa phong tục tập quán ở Vân Nam hãy còn
mang nặng màu sắc mê tín, nếu ai chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, họ
thường không mời lang trung đến khám chữa, mà lại mời pháp sư đến để
xua đuổi tà ma, nghênh đón thần tiên, còn nếu lỡ gặp chuyện quái dị thì
lập tức dùng vó ngựa. Vậy “vó ngựa” là gì? Đó không phải là da ở chân
con ngựa mà người ta vẫn hay dùng để đóng giày, cũng không phải là
lớp đế sừng cuối chân ngựa. Khu vực miền Nam có tục gọi là “vó ngựa”,
còn ở miền Bắc lại gọi “chân gà”, cũng đều chính là chân của con gà
trống được cắt ra lúc nó vẫn còn sống. Tương truyền, vật này có thể giúp
xua đuổi tà ma, tránh điều hung dữ, nó và “móng lừa đen, bánh đả cẩu”
được truyền tụng là ba linh vật. Tuy ở miền Bắc không thường xuất hiện
“vó ngựa” lắm, nhưng nó lại được truyền bá rộng rãi ở những nước thuộc
khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia v.v... Thời cổ
xưa cũng từng có người dùng nó để đối phó với một số loại bùa ngải, có
điều cái ảo diệu, bí mật ẩn chứa trong đó đã sớm thất truyền từ hàng trăm
năm trước.
Giờ đây, điều duy nhất có thể xác định được là “ngải” ở núi Dã
Nhân, được người cổ đại yểm từ hàng trăm ngàn năm trước, nhưng e
rằng bây giờ ngay cả nắm xương của người luyện ngải cũng đã hóa thành
tro bụi, chứ nói gì đến thịt, biết đến nơi nào để tìm mà ăn? Bởi vậy ai bị
chơi ngải, kẻ đó coi như gặp vận rủi, chắc chắn vô phương cứu chữa;
hơn nữa, khi chết đi, đừng nói có thể luân hồi sang kiếp khác, mà ngay
cả làm quỷ cũng chẳng thành.
Bùa thuật trong núi sâu ở Bắc Miến vô cùng đặc biệt, những kẻ
trúng tà đều xuất hiện một vệt đen rất rõ nét ở con ngươi phía đáy đồng
tử, hình dạng giống như phân tằm. Nếu xung quanh bạn có ai xuất hiện
dấu hiệu ấy, thì chắc chắn họ đã bị yểm bùa chơi ngải, tuyệt đối không
sai lệch vào đâu được. Hội Tư Mã Khôi cũng hiểu sơ sơ về bùa và ngải ở
Miến Điện, biết được là hễ kẻ nào bị trúng ngải, đúng thực trong đáy mắt
họ đều có cùng một đặc trưng này, nhưng chẳng ai hiểu rõ nguyên lý sâu
xa của nó.