Tư Mã Khôi vắt óc nghĩ ngợi hồi lâu. Khi còn ở Bắc Kinh theo
“Văn Võ tiên sinh” học nghệ, cậu cũng biết đến một vài điển cố lục lâm.
Cái từ “ngựa vang”
[10]
vốn chuyên dùng để chỉ: “Trên đường Sơn
Đông, nếu nhìn thấy kẻ cưỡi ngựa đeo chuông, thì ngầm hiểu đó chính là
ám hiệu của đạo tặc lục lâm, bọn họ coi trọng khí chất nghĩa hiệp, chúng
ta khó lòng biết thực ra họ là kẻ xấu hay người tốt, khó phân biệt điều họ
làm là sai hay đúng; họ bí mật cướp của, tàng hình giết người”. Tiếng
lóng này sau đó được phát triển rộng ra đến mức bất luận là “râu xồm” ở
Sơn Đông, “giặc cướp ngựa” ở Quan Tây, “chim nhạn” ở Giang Nam
hay “bang thuyền” ở Hồ Bắc và Hồ Nam, phàm là những tên cướp tự
cho mình là “cướp của người giàu chia cho người ngoài, thay trời hành
đạo”, đồng thời cũng bái mười tám vị la hán làm sư tổ thì đều được quy
vào hàng ngũ “ngựa vang”.
Trước đây, “ngựa vang” thường phải chạy vào sâu trong khe núi để
trốn khỏi sự truy đuổi của quan quân. Nơi đó là cánh rừng rậm nguyên
thủy, quanh năm không trông thấy mặt trời, cỏ mọc còn cao hơn đầu
người, đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy bốn bề cỏ hoang mọc bạt ngàn.
Những người không thông thổ lỡ chân lạc bước vào đây sẽ lập tức bị
“biển muỗi” hút sạch máu và trở thành xác khô. Ngoài rừng rậm ra thì
đầm lầy, sơn cốc băng tuyết, khe vực đều là những cứ địa vàng để “ngựa
vang” nương thân tránh họa và thoát khỏi vòng vây truy sát của quân
lính. Bọn họ và quan quân chỉ giao đấu vài hiệp rồi lập tức tản ra, chạy
vào khu rừng già, nơi không có dấu chân người qua lại để ẩn thân, đợi
khi sóng gió qua đi mới tụ tập trở lại.
Chính vì vậy, người đời mới nói “ngựa vang rất giỏi tìm đường”,
cho dù chạy vào nơi sơn cùng thủy tận, địa hình phức tạp, khi bị lạc
đường, họ vẫn có thể xác định được phương hướng dựa vào việc quan
sát vị trí của chòm sao Bắc đẩu. Vào những ngày trời âm u, không có
sao, họ sẽ đi tìm mạch nước nguồn, chỉ cần xuôi theo hướng nước chảy
là nhất định sẽ tìm được lối ra. Thế nhưng tình hình trước mắt bây giờ
vừa không có sao, lại không có sông suối gì cả, thì làm gì còn phương
pháp nào mà nghĩ?