Tư Mã Khôi thấy thế cũng không dám dừng lại mà tiếp tục tiến về
phía trước. Chợt anh phát hiện nơi tận cùng của khe cát dài tít tắp có một
vài ụ tường đất cao thấp không đồng đều, dưới chân tường hiện ra một
cái động hoang phế đã bị cát vàng vùi lấp mất quá nửa, trong động mịt
mùng làn khí màu đen, phảng phất tỏa ra mùi tử khí mục nát; từ ngoài
nhìn vào không thể biết rõ nó là thành trì hay huyệt mộ.
Tư Mã Khôi cúi thấp người chui vào, ngẩng đầu soi đèn halogen thì
thấy phía trong động rất vuông vắn, bốn mặt là cửa, ba mặt lát đá, mái
vòm uốn cong thành hình tròn, trên bức tường đất ở nơi sâu nhất còn có
một vài bức bích họa cổ với màu sắc vô cùng rực rỡ. Nội dung các bức
bích họa đều mô tả phong cảnh, cuộc sống ở Tây Vực, và cảnh đập vào
mắt nhất trong bức tranh là hình ảnh một lạc đà vàng và một con lạc đà
bạc đang cắn xé nhau, thân thể hai con đều bê bết máu, cảnh tượng vô
cùng tàn khốc; ngoài ra còn có một con lạc đà với hai cánh trên lưng
đang bay xuống đỉnh ngọn núi cao vút chìm trong ,mây trắng, điều kì lạ
là cổ con lạc đà này lại mọc một cái đầu người vô cùng kì dị. Không biết
những bích họa đó được chôn cất dưới lòng đất bao nhiêu niên đại mà
màu sắc vẫn tươi tắn dường vậy, trong huyệt mộ hoang phế bị gió cát
xâm lấn ăn mòn, nó vẫn mê hoặc lòng người bởi những ẩn số ngàn năm.