kính viễn vọng Lopnor, vùi xuống sa mạc, bây giờ trên người chỉ
sót lại ba con dao săn, mũ Pith Helmet, mặt nạ phòng độc hình
mang cá, kính chắn gió, thảm chắn cát; ngoài ra thì cũng chỉ có
mấy vật phẩm như: la bàn, diêm chống ẩm, máy ảnh, ống nhòm,
nến tín hiệu, thuốc đuổi côn trùng, thiết bị lọc, băng dính, bình
nước quân dụng, hòm cứu thương. Khi ấy, mệnh sắp đoạn mà vẫn
tiếc không nỡ vứt đi, bây giờ đúng là phải dùng đến chúng thật.
Huyện lị thiếu thốn đủ các loại vật tư nhưng đèn cácbua thì
không thiếu, đến nỗi tối muộn rồi mà người dân vẫn thắp đèn sáng
trưng. Vả lại địa phương cũng có khá nhiều mỏ quặng, nên các
thiết bị chiếu sáng như đèn quặng được bổ sung đầy đủ. Để đề
phòng gặp mưa trong núi, Tư Mã Khôi liền làm theo cách dân dã
của đội du kích Miến Điện, lấy áo mưa tự chế thành túi chống nước
rồi trùm lên ba lô. Ngoài ra, anh còn chuẩn bị một đống lương khô
và thuốc lá thơm. Tư Mã Khôi ra cửa hàng bách hóa mua mấy đôi
ủng và dây thừng dài, đồng thời tìm một bác thợ rèn đánh cho mấy
cái móc câu nối vào dây thừng.
Thứ duy nhất không kiếm được là vũ khí, đạn dược. Hội Tư Mã
Khôi vẫn chưa biết tình hình trong núi ra sao, không có súng ống
thì làm sao lòng đảm và dũng khí vững vàng lên được, có điều vấn
đề này lại chẳng có cách nào giải quyết, đành đến đâu hay đến đó
vậy.
Trước lúc xuất phát, Tư Mã Khôi dẫn Hải ngọng và Thắng
Hương Lân vào phòng tắm nước nóng. Đây là nhà tắm duy nhất
trong huyện thành, còn gọi là hồ tắm Đông Phong, lấy tên từ nghĩa
câu thơ “Đông phong áp đảo tây phong”. Tiệm này có từ mấy chục
năm trước, lúc đó người phương Bắc đến lâm trường lao động
tương đối nhiều, nên họ mới cho xây nhà tắm.
Hồ tắm Đông Phong được xây dựng rất sơ sài, cũ kỹ, lâu ngày
không được sửa chữa, quy mô lại khá nhỏ, bên trong đốt cái nồi
hơi nho nhỏ, cả bên nam và bên nữ cộng gộp lại, diện tích cũng chỉ
đủ cho mười mấy người tắm là đã chật ních. Hồi ấy, những mục