được mở mắt nhìn thế giới rộng lớn, để lúc trở về tha hồ khoác lác
suốt mấy năm, còn đến được tỉnh thành coi như một lần xuất ngoại,
và nếu ai mà sang được tỉnh khác, thì chắc người đó cả đời không
trở về quê hương bản quán nữa, bởi ở đây có rất nhiều người từ
nhỏ đến lớn chưa bao giờ rời khỏi miền sơn cước này.
Tình hình có chút ngoài dự tính, Tư Mã Khôi không ngờ quy
mô khai thác gỗ lại rộng lớn chừng ấy, anh hỏi bác bộ đội già: “Thế
bây giờ quả núi lớn này bị đốn sạch hết rồi sao?”
Ông bác cựu binh nói: “Tít sâu trong cánh rừng Thần Nông Giá
vẫn còn rất nhiều nơi không thể chặt gỗ, vì có đốn đổ cây cũng
không vận chuyển ra ngoài được. Đi qua eo núi dưới chân ngọn núi
chính Thần Nông Giá, khu vực phía tây bắc toàn là khe sâu vách đá
cheo leo, ở đó mới đích thực là rừng sâu núi thẳm, khó tìm thấy
dấu chân người. Nơi đấy có rất nhiều cây bách cổ không biết sống
mấy ngàn mấy vạn năm, thân cây to hơn chục người ôm không
xuể. Trong đó thường xuất hiện nhiều loài chim quý hiếm và loài
thú kì dị, như là khỉ lông vàng, thú một sừng, sói đầu lừa, rắn mào
gà, còn có gấu trắng, báo, bạch xạ hương… Cậu có giơ hết cả mười
đầu ngón tay lẫn mười đầu ngón chân cũng không đếm đủ đếm
đâu”.
Tư Mã Khôi nghe nói nơi này vẫn còn được bảo tồn trạng thái
nguyên thủy trong núi sâu, nên lòng cũng yên tâm hơn rất nhiều.
Anh tiếp tục dò hỏi: “Trong rừng già có an toàn không bác?”
Ông bác cựu binh lắc đầu: “Ối trời! Nguy hiểm lắm! Ngần ấy
năm, tôi sống trong rừng rậm cũng đâu phải là ít, nhưng cũng chỉ
vào trong đó một lần duy nhất hồi tiễu phỉ thôi. Để tôi kể cho các
cậu nghe, tương truyền trong núi Thần Nông Giá có người rừng
đấy, nhiều người già sống trong rừng từng nhìn thấy dấu chân của
người rừng, nhưng chưa ai tận mắt nhìn thấy bóng dáng người rừng
thật, chỗ chúng tôi có nơi gọi là Yến Tử Ô, đó chính là nơi người
rừng thường lảng vảng. Địa hình ở eo núi này thực sự vô cùng
hiểm yếu, nhìn xuống cũng đủ khiến người ta rụng cả tim ra ngoài,