quét tàn quân phỉ, mấy chiến sĩ trong đội đã gặp phải người rừng ở
ngay bờ vực sâu phía sau núi.
Do hai bên gặp nhau quá bất ngờ, nên hai bên đều sợ hết hồn.
Tên người rừng đó cao to lực lưỡng, có khi phải cao gấp rưỡi
người thường, lông đen rậm kín toàn thân, cũng không rõ mặt mũi
thế nào, trông nó giống vượn hơn là giống người. Nó giơ tay tóm
một chiến sĩ, trực tiếp vứt luôn xuống vực, chiến sĩ còn lại chưa kịp
nổ súng đã quần thảo thành một đống với tên người rừng, rồi cả hai
cùng lăn lông lốc xuống vực. Sau này, trinh sát quân ta men theo
đường vòng xuống dưới lục soát, nhưng tìm kiếm suốt một ngày
trời, vẫn không thấy thi thể ở đâu, có lẽ đi bị dã thú trong núi tha
vào rừng ăn thịt mất rồi.
Có người phỏng đoán, tình hình lúc đó quá đột ngột nên mọi
người hoa mắt nhìn chẳng rõ, chứ không chừng thứ họ gặp bên bờ
vực là gấu cũng nên; thế nhưng cái ngữ ấy chân tay vụng về, thì
làm sao mà trèo lên tận bờ vực cao thế này. Có người lại cho rằng,
sau khi thi thể bị rớt xuống, cổ của nạn nhân bị mắc vào cành cây,
chim rừng lại nhiều vô kể, nên chẳng cần tốn bao nhiêu thời gian
chúng sẽ rỉa sạch cái xác thành bộ xương khung. Tóm lại, người ta
đưa ra rất nhiều cách giải thích, nhưng cho đến tận bây giờ, đó là
lần bọn người rừng tiến sát núi Thần Nông Giá nhất, đáng tiếc là
bọn chúng sống không bắt được người, chết không tìm thấy xác.
Ông bác cựu binh nói đến đây thì hỏi Tư Mã Khôi: “Các cậu
định khảo… khảo cái cổ của ai vậy? Định lên đỉnh núi để làm gì?
Chẳng lẽ định tóm cổ người rừng đấy phỏng?”
Tư Mã Khôi chỉ sợ lộ chân tướng, vội vàng dùng mấy từ sách
vở giải thích cho qua mắt: “Định nghĩa về khảo cổ rộng lớn lắm
ông bác ạ! Chỉ 1% quá khứ của nhân loại được ghi chép thành tư
liệu, số còn lại vẫn là những ẩn số chưa có lời giải; phải vén bức
màn bí mật đó lên, chính là bài toán mà công tác khảo cổ cần
nghiên cứu. Có điều, anh em bọn tôi đi Thần Nông Giá chuyến này
không phải để tìm di tích lịch sử, mà để sưu tầm các tiêu bản hóa