Tư Mã Khôi nghe ông bác cựu binh kể, thấy rất giống với tình trạng của
Thắng Hương Lân. Theo cách nói của lang trung, chứng bệnh này “ngoài
nóng, trong lạnh”. Anh và Hải ngọng đã sớm quen với khí hậu ẩm ướt
trong rừng rậm, nên đủ khả năng miễn cưỡng ứng phó với môi trường
khắc nghiệt cực độ đó, còn Thắng Hương Lân, tuy cô cũng thường xuyên
theo phân đội trắc họa ra ngoài thực địa công tác, nhưng điều kiện vẫn
tốt hơn nơi này rất nhiều; vả lại trong quá trình mò mẫm dưới đáy vưc
sâu, áp lực và sự giày vò mà tinh thần phải chịu đựng cũng tàn khốc
chẳng khác nào điều kiện môi trường, mà cô có thể chống đỡ đến tận
thời điểm này thì cũng khó khăn và đáng quý lắm rồi.
Ông bác cựu binh nói: “Năm đó, vì không hợp khí hậu, cộng thêm nhiệm
vụ tác chiến cấp bách, nên quân số trong đội bị giảm đáng kể, số người
chết trong núi cũng không ít, may nhờ lang trung bản địa đưa cho
phương thuốc dân gian, tình hình mới có chuyển biến. Giữa rừng hoang
núi sâu này có bốn vật quý là: giang biên nhất uyển thủy, đầu đỉnh nhất
khỏa châu, văn vương nhất căn bút, thất diệp nhất chi hoa”.
Tư Mã Khôi không biết đó là những vật gì, liền vội hỏi. Thì ra, rừng rậm
nguyên sinh Thần Nông Giá mọc rất nhiều dược thảo quý hiếm, thậm chí
nước suối cũng có tính dược, mỗi khi tiếng sấm xuân nổi lên, hãy múc
một bát nước suối dưới chân núi, nó có công dụng chữa trị chấn thương
xương cốt, phong thấp. Một giọt sương trên đỉnh đầu có thể trị chứng
đau đầu, cán bút Văn Vương có thể trị chứng nóng ngoài, còn bông hoa
bảy lá có công liệu vô cùng kì diệu, thậm chí có thể nói là “khắc tinh của
nọi chứng bệnh lạ khó trị”.