Mặc dù biết quán cháo sườn đó ngược đường từ công ty đến bệnh viện, mẹ
vẫn tất tả đi mua, chỉ để con dịu đi chút nỗi buồn chán cô đơn, để thắp lên
một nụ cười nào đó vốn đã tắt lịm trong bệnh viện vắng tiếng cười. Rồi mẹ
lại bón cho con ăn, mặc kệ việc con đỏ mặt ngượng nghịu nói rằng mình có
thể tự làm được, vẫn cười đùa và kể những câu chuyện lặt vặt trong ngày,
cốt để gây cười cho con và đưa con vào giấc ngủ theo cách êm đềm nhất có
thể, ngăn những cơn đau gõ cửa đến tìm con.
Hoặc có những khi chúng ta thức khuya thật khuya, cùng nằm bên
nhau trên chiếc giường ọp ẹp, mắt hướng ra vầng trăng tròn đang in lên tấm
ga trải giường màu bàng bạc lấp lánh. Có đôi khi mẹ hát cho con nghe, ôm
con vào lòng và vỗ về như những ngày còn thơ bé; lại có khi mẹ tiếp tục kể
chuyện, về ngày xưa khi chính mẹ còn là một đứa trẻ, hay khoảng thời gian
con mới tập nói, tập đi. Một, hai, ba viên kẹo ngọt ngào đưa con vào giấc
ngủ, có đôi khi mẹ dạy con tết tóc, có đôi khi mẹ gửi lời hỏi thăm từ những
người họ hàng, giảng viên hay bạn bè của con.
Để mỗi sớm mai nắng vàng gõ nhẹ lên ô cửa kính, con tỉnh dậy và mẹ
đã đi tự bao giờ. Nhưng con không buồn đâu, mẹ ơi, vì con sẽ lại chờ đến
hoàng hôn khi được gặp lại mẹ, và chờ đến ngày con có thể cùng mẹ bước
đi dưới bóng cây bàng rợp nắng. Bởi vì con sẽ khỏe lại sớm thôi, mẹ ơi,
chúng ta hãy đừng mất niềm tin nhé.
Đến bây giờ con đã khỏe, nhưng mẹ à, sao con vẫn thấy đau đến thế?
Đau cho cái áp lực đè nặng lên người, rằng phải giỏi hơn, giỏi hơn và giỏi
hơn nữa. Đau cho những tiếng thở dài, những ánh mắt không dừng lại nơi
con và những công việc vất vả, bận rộn đã nối dài khoảng cách hai mẹ con
mình.
Mẹ vẫn là mẹ, vẫn là người phụ nữ xinh đẹp và thành đạt, mái tóc màu
đen cắt ngắn với nụ cười tươi tắn trên môi, là nụ cười con hằng tìm kiếm
trong những tháng ngày nó trốn mất bởi sự vất vả và mệt mỏi in hằn lên
khuôn mặt mẹ. Và khi mẹ đứng dưới ánh nắng vàng ươm như mật ngọt,