Con đã quên, tự bao giờ mẹ không còn nhìn con nữa. Công việc xoay
vần mẹ, cái gánh nặng của một người con dâu trong gia đình và một người
lãnh đạo nơi thương trường khốc liệt, đã đẩy mẹ xa khỏi con. Những cuộc
trò chuyện tắt dần khi con cố gắng trong vô vọng để bắt được một ánh nhìn
hay câu trả lời từ mẹ, tất cả những gì còn lại là những câu khuyên răn dạy
bảo rập khuôn vốn đã mất dần tác dụng, vì mẹ thậm chí chẳng còn hiểu nổi
con nữa rồi. Hơn một lần mẹ oán trách sao con không gần mẹ, không yêu
thương mẹ, mẹ không hiểu con. Thật ra, tất cả chỉ là vì bản thân mẹ cũng
đã quên mất những điều nhỏ nhất, như con thích cái gì, yêu ghét ai hay
muốn trở thành người ra sao.
Và thế là con ru mình trong giấc mộng của những ngày thơ bé, kiếm
tìm người mẹ của những năm tháng yêu thương.
Con còn nhớ, khoảng thời gian khi mình còn là đứa trẻ yếu ớt, quanh
năm suốt tháng làm bạn với bác sĩ, y tá, kim tiêm và ống truyền. Ở nơi ấy,
nơi được bao phủ một màu xám ảm đạm, ngày nối ngày bằng những mũi
tiêm chắp vá trên đôi tay lốm đốm sẹo mờ của con, bằng những tiếng rên
đứt quãng tắc nghẹn cổ họng, những lần đau quặn đến ứa nước mắt mà chỉ
biết co quắp trên giường, thu mình chối bỏ mọi sự xảy đến bên ngoài, chối
bỏ cả tương lai mịt mờ có thể dính chặt lấy mùi thuốc sát trùng và thêm
hàng trăm mũi tiêm nữa. Những sớm chiều nắng mưa luân chuyển nơi lan
can ọp ẹp dần dà rút đi sinh lực của con, rút đi nghị lực cùng với sự kiên
nhẫn của con. Con, trong phần nghìn giây nào đó, thực sự đã nghĩ mình sẽ
chết rục nơi bệnh viện hiu quạnh ấy.
Thật vậy, nếu lâu thật lâu những năm về trước, Chúa không gửi con
đến với mẹ, con tự hỏi liệu mình có thể trụ được đến ngày hôm nay, chỉ
bằng thuốc thang và phẫu thuật. Hẳn là không rồi, bởi chính mẹ mới là thần
dược vực con dậy trong những ngày tăm tối ấy.
Con vẫn nhớ chiều chiều mẹ xuất hiện nơi cửa vào, trên tay là hộp
cháo sườn đã hơi nguội vì đường dài và trên trán mẹ vẫn lấm tấm mồ hôi.