trước rào chắn.
Lên cổng đền chân núi, Văn Công Hùng vẫy bà già và trẻ em bán hương
và dịch vụ đổi tiền lẻ quây vòng quanh mình. Người được mua hương thì
không được đổi tiền lẻ. Tất cả những người làm dịch vụ theo danh tiếng
vua Hùng bỗng nhiên cũng có lộc của Văn Công Hùng.
Tin có ông Việt kiều giàu có về "tán lộc" cầu may cho những người khó
khăn cơ nhỡ loang ra như gió luồn khắp núi. Người nhao nhao kéo đến.
May, Văn Công Hùng đã kịp giả đóng vai người Hàn Quốc, không thì chưa
biết cơ sự sẽ diễn ra thế nào với đám đông trong cơn khát lộc rơi lộc vãi.
Ngỡ mình dân trung du giỏi đi bộ, vượt đồi vậy mà so với Văn Công
Hùng tôi chỉ là… dĩn.
Thi sĩ chạy lên tụt xuống, những bậc đá lát dốc đứng, nghiêng ngó tạo
dáng chụp xuôi chụp ngược, sắc mặt không chuyển, mồ hôi hơi rịn ướt
lưng áo và lấm tấm chân tóc.
Chạm đền Hạ tôi đã hò nghỉ chân trước khi vào thắp hương. Văn Công
Hùng tròn mắt:
- Trời đất, văn nghệ các ông ngoài này oải như mì luộc thế. Tôi ở Gia Lai
đi thực tế lội bộ cả tuần liền, đôi khi ôm bụng đói nằm ngủ khan mà làm
thơ viết ký nữa kia.
Tôi liếc xéo, ông nhậu rượu Amakong, rau rừng, con thịt sạch, khí hậu
trong lành, café xịn tại gốc làm chi mà không khỏe!
Trong lúc hai chúng tôi nhen lửa thắp hương, từ đông đúc nhao ra một
nhan sắc, giọng lạc đi:
- Ôi, Văn Công Hùng kìa! Sao anh lại ở đây? Tận Đền Hùng này?
- Ôi, em, sao lại ở đây? Tận Đền Hùng này?
Tôi ý tứ lảng đi cho hai người nói chuyện. Thì ra đó là một cô giáo dạy
văn ở Quảng Ngãi, là bạn đọc hâm mộ Văn Công Hùng. Ríu ran thăm hỏi.
Ríu ran chia tay hẹn gặp.