- Thì ra ông anh nổi tiếng thật. Xa nhà cả ngàn cây số mà vẫn đụng hàng
rát mặt. Mà anh quan niệm thế nào là sự nổi tiếng nhỉ?
Nụ cười tinh quái, nhưng đủ duyên để biết rằng đây là một nhà thơ chính
thống chứ không phải doanh nhân vị tiền như vẫn trình diễn vẻ ngoài:
- Hè, tôi kính trọng sự nổi tiếng, nhưng sự nổi tiếng không thuộc về tôi.
- Thế còn tình yêu… Văn Công Hùng yêu ra sao nhỉ? Chứ vụ ríu ran vừa
rồi thì chưa nói lên điều gì gọi là sâu sắc…
Ngỡ mình đã làm khó được ông anh, nhưng tôi đã bé cái nhầm:
- Hãy đọc thơ Văn Công Hùng. Văn Công Hùng… yêu chắc cũng
giống… mọi người…
- Tình bạn?
- Bạn tôi ở khắp nước. Nguyên tắc chơi với bạn là chơi với phần tốt,
phần mình hợp với bạn, cái gì mình không thích không hợp thì lơ đi. Và
chiều bạn, quý bạn, không làm phiền bạn, chịu đựng bạn, và ngược lại, bạn
cũng... chịu đựng tôi. Được chưa?
Tới đền Trung thấy bộ bàn ghế đá bày dưới gốc đại cổ lão tương truyền
các Lạc hầu, Lạc tướng quây quần bên Vua Hùng nghị bàn việc công, ông
níu tôi ngồi chụp ảnh lưu niệm, và rủ rỉ như giọng điệu bấy lâu, nửa đùa
nửa không:
- Mình phải ngồi vào cái ghế vĩ đại nhất, cổ xưa nhất của 18 triều Hùng
Vương để lắng nghe cảm giác công bộc xem có ngân nga lên trong con
người công dân làm thơ như mình không?!
Giữa dòng người trảy hội mà bỗng nhiên ắng lặng như chỉ có hai chúng
tôi, Văn Công Hùng nhắm mắt tĩnh tâm hồi lâu. Có điều gì đấy như là sự bí
hiểm, trong không gian linh thiêng khi người ta thành tâm cầu khấn. Một sự
giao thoa siêu hình, như ta vẫn thường hy vọng được thấu hiểu và chia sẻ.
Lên Đền Thượng, tôi cũng không dám hỏi cái cảm giác ngồi ghế đá Vua
Hùng của ông.