Rồi Văn Công Hùng cũng lễ bái xong, bấy giờ mới dám cởi áo khoác
ngả lưng trên ghế đá. Nhìn vân đá xanh, ông chỉ đâu là đá Thanh Hóa, đâu
là đá Ninh Bình:
- Đá Ninh Bình đánh bóng thì lì mặt, đanh, mịn, đá Thanh Hóa thì xốp
hơn, không mát tay bằng. Mẹ tôi người Ninh Bình, tôi lớn lên ở Thanh Hóa
mà…
Với tôi đá xanh nào cũng là đá xanh nào. Có lẽ phải có trực giác của một
nhà thơ thì mới phân biệt rành rẽ sự mù mờ từ những vân đá. Nhìn những
trái đồi đất trung du tươi sắc gan gà, đôi mắt Văn Công Hùng gợn bóng
dáng Tây Nguyên:
- Lạ nhỉ, sắc vẻ đất đai Đất Tổ chẳng khác sắc vẻ đất Tây Nguyên là bao.
Đỏ tươi, với đỏ vàng. Lần sau về viếng Tổ, nhất định mình sẽ mang hạt
giống dã quỳ gieo bên lối mòn phía xa kia. Hoa dã quỳ nở trên núi Nghĩa
Lĩnh, ông tưởng tượng xem… Nôn nao và miên man lắm.
Đúng lúc ông từ bê khay hoa quả đến mời:
- Tôi thấy vãn khách phúc hậu, may vừa vãn tuần hương, mời hai ông
hưởng chút lộc Vua.
Nhà thơ bỗng run run nhận trái bưởi Đoan Hùng. Trên đỉnh cao Nghĩa
Lĩnh tôi đã chỉ cho ông đâu Ba Vì, đâu Tam Đảo linh thiêng cao dựng, đâu
dấu vết sông Thao, sông Lô sông Đà tụ khí về Bạch Hạc.
Giọng trầm trầm âm hưởng của các già làng Tây Nguyên kể Khan, Văn
Công Hùng nhìn đường chân trời:
- Hồi chuẩn bị tốt nghiệp khoa văn đại học Tổng hợp Huế khóa 1, tớ và
anh bạn thân, cùng ở Huế, bảo rằng làm trai phải giang hồ. Thế là quyết
định cùng nhau viết đơn xung phong lên Tây Nguyên. Nhưng Tây Nguyên
là ở đâu thì... chưa biết. Mở bản đồ… rồi quyết định chọn Gia Lai Kon
Tum vì nó... gần Huế. (Hồi ấy từ Huế lên Pleiku phải đi đến 3 ngày qua ba
chặng xe). Nhưng khi mua vé xe rồi, khóc sụt sịt chia tay gia đình rồi thì
anh bạn kia... quay đầu, buông tay.