Raphaël tỏ ý sốt ruột nói tiếp:
- Khi tôi học xong trường thành chung thì cha tôi bắt tôi theo một kỷ
luật nghiêm khắc, ông cụ cho tôi ở một phòng liền với phòng giấy của cụ;
tối đến tới chín giờ đã phải đi ngủ và năm giờ sáng thì dậy; ông cụ muốn
cho tôi toàn tâm học luật, tôi vừa học ở trường luật lại vừa làm việc tại
phòng một viên luật sư; nhưng những quy định về thời gian và không gian
được thi hành rất nghiệt đối với những việc đi lại, làm việc của tôi và cứ
bữa ăn thì cha tôi lại bắt tôi phải kể thật chi ly...
- Cái đó thì việc quái gì đến tôi? - Emile nói.
- Chà! Quỷ tha cậu đi, - Raphaël đáp. - Làm thế nào mà cậu hiểu được
tình cảm của tôi nếu tôi không kể cho cậu nghe những sự kiện ngấm ngầm
ảnh hưởng tới tâm hồn tôi, rèn luyện cho nó tính sợ sệt và khiến cho tôi rất
lâu ở tình trạng ngây thơ chất phác của chàng trai tơ? Như vậy, cho đến năm
hai mươi mốt tuổi, tôi bị đè nặng dưới một chế độ độc đoán lạnh lùng chẳng
khác gì chế độ của một nhà tu. Muốn cho cậu hiểu rõ những nỗi đau buồn
của cuộc đời tôi có lẽ chỉ cần mô tả cha tôi: một người cao lớn khô khan và
mảnh dẻ, mặt lẹm như lưỡi dao, nước da tái nhợt, ăn nói cộc lốc, bản tính
như cô gái già, chi ly như một tay trưởng phòng. Quyền làm cha của ông cụ
chờn vờn trên những ý nghĩ tinh nghịch và vui nhộn của tôi và giam hãm
chúng như dưới một mái tròn bằng chì. Khi tôi muốn biểu lộ với ông cụ
một tình cảm dịu dàng đằm thắm thì ông cụ tiếp đãi tôi như một đứa trẻ sắp
nói một điều ngớ ngẩn. Tôi kinh hãi ông cụ còn hơn chúng ta sợ các thầy
giám thị xưa kia nhiều. Đối với ông cụ thì bao giờ tôi cũng chỉ như mới lên
tám. Bây giờ tôi vẫn còn như trông thấy ông cụ trước mắt: với chiếc áo
khoác màu hạt dẻ trùm trên mình ngay đờ như một ngọn nến thờ, trông ông
cụ giống một con cá mòi ướp bọc trong tờ bìa đo đỏ của một quyển thơ trào
phúng. Tuy nhiên, tôi yêu cha tôi vì suy cho cùng ông cụ tính ngay thẳng.
Có thể chúng ta không căm ghét tính nghiêm khắc khi nó xuất phát từ một
tính cách siêu quần, những phong thói thuần khiết, và khi nó xen kẽ nhịp