quát hóa, chỉ rõ đầy đủ và sâu xa hơn bản chất của xã hội, của cuộc sống
đương thời, do đó mà cuốn tiểu thuyết càng có sức thuyết phục mạnh hơn.
Lão già bán đồ cổ tập trung trong tay hắn bao nhiêu của báu thế gian là
tượng trưng hùng hồn cho cái thế lực vạn năng, cái quyền hành phi thường
của đồng tiền, còn miếng da lừa là hình ảnh cụ thể, là sự khái quát hóa triết
lý cái số phận bi thảm của con người bị hủy hoại, phá phách, bị xén cắt về
nhân phẩm, tư cách cũng như về thể xác, tuổi đời trong cuộc sống cá nhân
vị kỷ chạy theo đồng tiền, chạy theo làm giàu và hưởng lạc nó là lý tưởng
duy nhất của xã hội tư sản.
Điều đáng chú ý là tính cách nhân vật Raphaël de Valentin vẫn tiếp tục
phát triển một cách logic, theo quy luật, sau khi trở nên giàu có cũng như
trước kia. Con người đầy tham vọng cá nhân đó sau khi tiếp xúc với
Rastignac, Foedora, với xã hội thượng lưu nói chung, không tránh khỏi tiêm
nhiễm phải cái nọc độc, bệnh hủi của chủ nghĩa vị kỷ tư sản. Và giàu có
không làm cho anh sống cởi mở, khoáng đạt, rộng rãi hơn, trái lại, với tính
vị kỷ làm khô héo, cằn cỗi tâm hồn con người, anh lại càng co mình thêm
vào cái vỏ cứng của chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa vị kỷ lên đến tuyệt đỉnh
khi Raphaël trở nên giàu có mà lại biết mình mang bệnh tật hiểm nghèo
không tránh khỏi cái chết. Anh chỉ còn biết bằng bất cứ giá nào cứu sống
cái tính mạng của anh, đến mức anh chỉ còn nhìn thấy duy nhất bản thân
mình, và tự coi mình, là tất cả vũ trụ: "Đối với anh không còn vũ trụ nữa, cả
vũ trụ nằm trong con người anh". Và Raphaël, trên thực tế, đã chết về tâm
hồn từ trước khi anh chết về thể xác!
o O o
Tiểu thuyết Miếng da lừa cùng với một loạt tác phẩm khác xuất hiện
khoảng những năm 1830 - 1831 thật sự đã đánh dấu một giai đoạn phát
triển mới trong phương pháp sáng tác của Honoré de Balzac. Ở Miếng da
lừa, người ta thấy rõ ràng hơn hết những dấu hiệu chuyển biến của nhà văn
từ phong cách lãng mạn ban đầu sang bước trưởng thành, già dặn của một