tượng Pauline như một chiếc bóng, một nàng tiên, một thiên thần khi ẩn,
khi hiện, vô hình, trái lại, Foedora kia, Foedora phù hoa và tính toán, vị kỷ
và vô tình, mới là sự thật trăm phần trăm, cái sự thật sờ sờ mà người ta bắt
gặp ở bất cứ nơi nào trong xã hội đương thời.
o O o
Raphaël de Valentin với lòng đầy tham vọng nhưng tinh thần yếu đuối
không đủ can đảm kiên trì một cuộc sống trong sạch nhưng nghèo nàn thiếu
thốn. Cố nhiên anh không đáp lại mối tình ngây thơ, chân thật, thắm thiết
của một nàng Pauline nghèo khổ. Bị cám dỗ bởi lối sống phóng đãng của
Rastignac, và khát khao chia sẻ với Foedora mối tình trong nhung lụa, anh
hăm hở lăn mình vào xã hội thượng lưu để rồi hứng lấy biết bao nỗi đau
khổ, đắng cay mà một kẻ nghèo như anh tất nhiên phải chịu đựng, kể từ
việc thiếu vài hào đi xe để tới nhà tình nhân cho đến việc xoay tiền mua vé
lô đi xem hát với người yêu. Rút cục, khi hết đường xoay tiền mà tình yêu
thì bị cự tuyệt, anh quyết định trẫm mình để kết liễu đời.
Nhưng ở đây, Honoré de Balzac mượn một yếu tố quái dị để nhấn mạnh
và làm nổi bật hơn nữa chủ đề tiểu thuyết của ông: đó là sự xuất hiện của
lão già bán đồ cổ và miếng da lừa thần bí. Cần chú ý rằng việc sử dụng yếu
tố quái dị, thần bí ở đây không hề làm giảm sút tính hiện thực của tác phẩm,
vì tựu trung cái đó không phải là cái quyết định sự phát triển của chủ đề, mà
nó cũng không tách rời nhân vật chính ra khỏi hoàn cảnh xã hội thực tại với
tính quy luật trong sự phát triển của nó. Xét cho kỹ, những gì xảy ra cho
Raphaël sau khi anh thăm cửa hàng đồ cổ và chiếm hữu miếng da lừa vẫn
có thể giải thích được một cách rất tự nhiên: từ việc anh được các bạn giới
thiệu để tham dự bữa tiệc đế vương của tay tư bản Taillefer đến việc anh
được hưởng một món gia tài kếch xù của người họ ngoại, cho tới cái chết
của anh vì bệnh lao, hậu quả của cuộc đời trác táng theo sau một thời gian
sống thiếu thốn kham khổ. Trái lại, yếu tố kỳ ảo ở đây chính là một phương
tiện nghệ thuật được nhà văn xử lý một cách tài tình để phóng đại, để khái