sinh, thế giới được trải ra. Sau vô số những thế hệ động vật khổng lồ, sau
những chủng loại cá và những họ hàng trai sò, cuối cùng tới loài người, sản
phẩm biến tính của một giống vật kỳ vĩ mà có lẽ Đấng Tạo hóa đã phế bỏ.
Được con mắt hồi tưởng hun nóng, những con người yếu ớt, mới sinh bữa
qua, có thể vượt qua đời hỗn mang, cất tiếng hát bài tụng ca bất tuyệt và
hình dung quá khứ của vũ trụ trong một thứ Mặc thị lục[66] ngược dòng.
Đứng trước cuộc phục sinh phi thường nhờ tiếng nói của độc một con người
đó, chúng ta đâm thương cái khoảnh khắc đời sống, nó là mảnh vụn mà
quyền hưởng dụng trao lại cho chúng ta, trong cả cái vô tận không tên tuổi,
chung cho hết thảy mọi lĩnh vực, mà chúng ta gọi tên là thời gian. Chúng ta
tự hỏi, khi chúng ta bị đè bẹp dưới bao nhiêu thế giới lụi tàn, thì có sá gì
những vinh quang, những căm thù, những tình yêu của chúng ta; và nếu đời
sống trở thành một điểm mơ hồ không nhận thấy trong tương lai, thì nỗi đau
khổ của loài người có đáng chấp nhận hay không? Bị bật rễ khỏi hiện tại,
chúng ta nằm chết cho tới khi gã hầu buồng bước vào bảo chúng ta: Bà bá
tước đã trả lời rằng bà đang chờ ông.
Chú thích
[1] Félix Savary (1797-1841): Nhà thiên văn học và toán học Pháp, Viện
sĩ Viện Hàn lâm, bạn của Balzac.
[2] Laurence Sterne (1713-1768): Nhà văn Anh. Trong tiểu thuyết
Tristram Shandy (The Life and Opinions of Tristram Shandy Gentleman
(1760-1767) của Sterne: một nhân vật muốn phát biểu ý kiến về đời sống
con người lấy gậy vạch lên cát một đường ngoằn ngoèo từ trên xuống.
Balzac vẽ một đường giống như vậy, nhưng chạy ngang và ngoằn ngoèo
hơn, lấy đó thay lời đề tựa. Ông viết: "Trong tiểu thuyết, đời sống con
người được diễn tả như tấn kịch, nó ngoằn ngoèo, lượn quanh, uốn khúc...".
[3] Tháng Mười năm 1830, sau cuộc Cách mạng tháng Bảy 1830.