bước chân vào ngưỡng cửa cấp ba, những thành tích kia mới bắt đầu sụt
giảm.
Sau đây là cách những học sinh có Tư Duy Cố Định giải thích cho
sự đi xuống về điểm số: Nhiều đứa trách khả năng của mình: “Vì cháu là
người dốt nhất lớp” hay “Cháu rất kém môn Toán.” Nhiều đứa đổ lỗi cho
người khác: “[giáo viên Toán] là một kẻ dâm tặc… và [giáo viên tiếng
Anh] là một kẻ lề mề và vụng về.” “Thầy cô giáo ở đây như bị phê thuốc
ấy.” Những phản ứng thế này không đưa ra được cho các em lối thoát khỏi
tình trạng tụt dốc mà các em đang mắc phải.
Khi bị nỗi lo về thất bại rình rập, những học sinh có Tư Duy Phát
Triển lại huy động những nguồn lực mình có để tập trung vào việc học.
Chúng nói đôi khi có cảm thấy bị choáng ngợp, nhưng chúng lại lựa chọn
việc đương đầu với nỗi sợ thất bại và làm những điều phải làm. Nghe giống
George Danzig đúng không?
George Danzig là một sinh viên tốt nghiệp ngành Toán học ở đại
học Berkeley. Một hôm, như thường lệ, ông tới lớp Toán trễ và nhanh
chóng chép lại hai bài tập về nhà ghi sẵn trên bảng. Khi bắt tay vào làm,
ông thấy chúng khó khủng khiếp, và phải mất vài ngày vò đầu bứt tai ông
mới có thể giải chúng. Hóa ra, hai bài tập đó không phải là bài tập về nhà,
mà là hai vấn đề Toán học mà chưa ai có thể giải được trước đây.