thứ đề cao hình ảnh của ông trước công chúng, và ông dùng tiền của công
ty để gây ấn tượng với phố Wall Street và tăng giá trị chứng khoán của
Chrysler. Ông đã chọn làm những điều đó thay vì đầu tư vào những mẫu
thiết kế xe mới hay cải tiến quy trình sản xuất để giúp công ty giữ được lợi
nhuận trong thời gian dài.
Ông cũng quan tâm tới việc lịch sử sẽ nhớ về ông thế nào. Nhưng
ông không điều hướng mối quan tâm này tới việc xây dựng công ty. Mà
ngược lại, theo lời của một trong những người viết tiểu sử về ông, ông đã
quá lo lắng rằng cấp dưới của ông sẽ giành hết công lao của ông ở những
mẫu thiết kế thành công mới, vì thế ông từ chối thừa nhận họ. Khi Chrysler
đang xuống dốc, ông lo lắng rằng những người cấp dưới sẽ được tôn vinh
lên thành những người cứu rỗi, vì vậy ông sa thải họ. Ông lo sợ rằng tên
ông sẽ bị xóa sổ khỏi lịch sử của Chrysler, nên ông cố bám trụ ở vị trí CEO
dù cho nhiệm kỳ của ông đã kết thúc từ lâu.
Iacocca có một cơ hội vàng để tạo ra sự khác biệt, để lưu truyền lại
một đế chế vững vàng. Ngành công nghiệp ô tô ở Mỹ lúc đó đang phải đối
mặt với thách thức lớn nhất từ trước tới giờ. Những chiếc xe nhập khẩu từ
Nhật Bản đang dần chiếm lấy thị trường Mỹ. Lý do rất đơn giản: chúng
trông đẹp hơn và chạy tốt hơn. Các nhân viên của Iacocca đã làm một cuộc
nghiên cứu rất kỹ lưỡng về đối thủ Honda, và đưa ra những lời gợi ý không
thể tốt hơn.
Nhưng thay vì đón nhận thử thách và sản xuất ra những chiếc xe tốt
hơn, Iacocca, với Tư Duy Cố Định, lại đưa ra những lý do viện cớ và
những lời đổ lỗi. Ông trở nên dễ nóng giận, nhổ ra những lời phỉ báng
những sản phẩm đến từ Nhật Bản và yêu cầu chính phủ Mĩ đánh thuế và
đặt ra giới hạn cho số lượng xe nhập vào. Trong một bài báo chỉ trích
Iacocca, tờ The New York Times viết: “Giải pháp ở đây phải nằm ở việc đưa
ra những chiếc xe tốt hơn cho đất nước, không phải ở việc dìm hàng đối thủ
Nhật Bản xuống.”