thông. Cô thường xuyên bật dậy lúc nửa đêm, lo lắng về điều gì sẽ xảy ra
với số nhân viên và những người đã nghỉ hưu còn lại nếu công ty tan vỡ.
Cô luôn quan tâm tới tinh thần và sự phát triển của các nhân viên,
để ngay cả khi số lượng nhân sự đã giảm, những điều làm nên tính độc nhất
và đáng quý nhất trong văn hóa của Xerox vẫn không bị ảnh hưởng. Trong
ngành công nghiệp máy in, Xerox được biết đến như một công ty luôn
chăm sóc những nhân viên đã nghỉ hưu bằng những bữa tiệc cho người
nghỉ hưu, hay tổ chức các buổi gặp mặt cho các cựu nhân viên. Khi các
nhân viên đã cùng sánh vai cô vất vả vực dậy công ty, cô từ chối việc cắt
lương thưởng và, như một động thái khích lệ tinh thần, cô cho nhân viên
được nghỉ vào ngày sinh nhật của họ. Cô muốn cứu lấy công ty, cả về thể
xác lẫn tinh thần, không phải vì bản thân hay cái tôi của cô, mà vì tất cả
những người đã cống hiến hết mình cho công ty.
Sau 2 năm lao động miệt mài, một hôm, Mulcahy mở tờ tạp chí
Time và bất ngờ khi thấy hình cô được đăng cùng với ảnh những người
đứng đầu của Tyco và Worldcom, những người đàn ông chịu trách nhiệm
cho hai trong số những thảm họa quản trị khủng khiếp nhất trong thời đại
của cô.
Nhưng chỉ một năm sau, cô biết những nỗ lực của cô đã đơm trái,
khi một trong những thành viên của ban quản trị, cựu CEO của Procter &
Gamble, nói với cô, “Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ tự hào về việc mình làm
việc cho công ty này. Tôi đã sai rồi.”
Mulcahy đã chiến thắng ở cuộc đua nước rút. Giờ thì tới cuộc thi
marathon. Liệu Xerox có thắng được cuộc thi này không? Hoặc là công ty
đã ngủ quên trên chiến thắng quá lâu, từ chối thay đổi và bỏ lỡ nhiều cơ
hội. Hoặc là Tư Duy Phát triển – nhiệm vụ phải thay đổi bản thân cô cũng
như công ty – sẽ một lần nữa giúp cứu vớt thêm một người khổng lồ Mỹ
khác.